Giá dầu châu Á đi xuống phiên 30/6 trước khi cuộc họp OPEC+ khép lại
Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầy biến động 30/6, khi thị trường chịu áp lực bởi những lo ngại về nguồn cung toàn cầu và báo cáo cho thấy dự trữ nhiên liệu của Mỹ gia tăng.
Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2022 giảm 45 xu Mỹ (0,4%), xuống 112 USD/thùng. Loại dầu kỳ hạn giao tháng 8/2022, hết hạn vào ngày 30/6, cũng mất 1,11 USD (1%), xuống 115,15 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 57 xu Mỹ (0,5%), xuống 109,21 USD/thùng.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty tư vấn OANDA khu vực châu Á -Thái Bình Dương, cho biết: “Sự sụt giảm ròng trong các kho dự trữ dầu thô trên toàn cầu là do nhiều quốc gia quyết định giải phóng Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR). Trong khi dự trữ xăng tăng vọt là do các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang hoạt động với hơn 95% công suất”.
Dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng tồn kho dầu thô của nước này trong tuần tính đến ngày 24/6 giảm 2,8 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là giảm 569.000 thùng, mặc dù dự trữ xăng và sản phẩm dầu chưng cất của Mỹ tăng.
Dự trữ nhiên liệu của Mỹ tăng giữa bối cảnh các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động, với công suất đạt tới 95%, mức cao nhất vào thời điểm này trong vòng 4 năm qua.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết, sự gián đoạn hơn nữa đối với nguồn cung đã hạn chế đà giảm của giá dầu, trong khi các chuyến hàng chở dầu của Libya từ hai cảng quan trọng phía Đông bị đình chỉ, còn Ecuador chứng kiến sản lượng dầu sụt giảm do các cuộc biểu tình đang diễn ra.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là OPEC +, bao gồm Nga, đã bắt đầu cuộc họp chính sách hai ngày vào ngày 29/6, mặc dù các nguồn tin cho biết có rất ít triển vọng nhóm này bơm thêm dầu ra thị trường.