Giá dầu của Mỹ lần đầu tiên đạt đỉnh 90 USD/thùng kể từ năm 2014
CNBC ngày 3/2/2022 đưa tin hôm thứ Năm, lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu của Mỹ đã vượt ngưỡng 90 USD, do nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ tăng cao trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế. Dầu thô kỳ hạn WTI, dầu tiêu chuẩn của Mỹ, tăng hơn 2%, giao dịch ở mức cao 90,23 USD/ thùng. Lần cuối cùng giá dầu của Mỹ vượt mốc 90 USD là tháng 10/2014. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 1,7% lên mức 91 USD. Brent đạt mức 90 USD vào ngày 26/1/2022.
Dầu mỏ đã có một đợt phục hồi bùng nổ sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 4/2020. Nhu cầu dầu đã quay trở lại nhưng các nhà sản xuất vẫn phải kiểm soát nguồn cung. Các căng thẳng địa chính trị, giữa Nga và Ukraine cũng như căng thẳng ở Trung Đông, cũng khiến thị trường lo lắng. WTI tăng gần 20% trong năm, trên cơ sở mức tăng hơn 50% của năm 2021. Khi giá dầu tăng cao hơn, một số nhà phân tích Phố Wall đã dự báo dầu sẽ có giá 100 USD.
Hôm thứ Tư (2/2), tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định tuân theo lịch trình đã công bố trước đó và tăng sản lượng trong tháng 3/2022 thêm 400.000 thùng/ngày. Động thái này diễn ra trong bối cảnh OPEC+ phải đối mặt với áp lực tăng sản lượng, bao gồm cả áp lực từ Mỹ, nhằm giảm bớt sự tăng giá nhanh chóng của giá dầu.
Nhà phân tích của công ty tư vấn Oanda Ed Moya cho rằng rằng một phần nguyên nhân của giá dầu tăng cao hơn hôm thứ Năm là do nhiệt độ lạnh và khả năng sụt giảm sản lượng. Thị trường dầu mỏ đang quá căng thẳng nên bất kỳ cú sốc nào đối với sản lượng cũng sẽ khiến giá tăng vọt. Sản lượng dầu của OPEC+ đang được kiểm soát với chiến lược tăng dần khai thác, điều đó có nghĩa là dầu có vẻ như sẽ sớm đạt được mức giá 100 USD.
Louise Dickson, nhà phân tích cao cấp về thị trường dầu tại Rystad Energy cho biết thị trường vẫn lạc quan về giá dầu. Kể từ tháng 5/2020, OPEC+ đã ban hành các đợt cắt giảm lớn đối với sản lượng, đưa giá dầu lên mức tăng khá hợp lý, trên nền mốc giá 100 USD/ thùng. Mặc dù có thể có một số đợt sụt giảm nhu cầu do đại dịch gây ra, kỳ vọng chung là thị trường sẽ tiếp tục giao dịch cao đối với dầu do nguồn cung thực sự thiếu hụt trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Chuyên gia của Capital John Kilduff cho rằng sự sụt giảm của đồng đô la hôm thứ Năm cũng góp phần làm cho giá dầu ở Mỹ tăng cao hơn. Khi đồng đô la tăng giá, nó làm cho giá dầu đắt hơn đối với người mua nước ngoài. Đồng đô la Mỹ giảm mạnh hôm thứ Năm là chất xúc tác cần thiết ngăn chặn tình trạng bán tháo xuất hiện sau cuộc họp của OPEC+ và một số dữ liệu kinh tế yếu kém gần đây. Kilduff cho rằng mốc giá dầu 100USD "dường như không thể tránh khỏi", mặc dù sẽ không dễ dàng đạt mức đó./.