Giá dầu giữ đà tăng do tình hình Vùng Vịnh vẫn 'nóng'
Tuy nhiên, giá dầu không thể tăng mạnh do đang chịu áp lực giảm từ mối lo về nhu cầu tiêu thụ...
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, do ảnh hưởng của vụ Iran bắt tàu chở dầu Anh vào tuần trước. Ngoài ra, dự báo nguồn cung dầu của Mỹ giảm cũng nâng đỡ giá năng lượng này.
Tuy nhiên, theo hãng tin CNBC, giá dầu đang chịu sức ép giảm từ dự báo nhu cầu tiêu thụ yếu và việc một mỏ dầu lớn của Libya hoạt động bình thường trở lại. Bởi vậy, mức tăng của giá dầu là khá khiêm tốn.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 9 tại thị trường London tăng 0,57 USD/thùng, tương đương tăng 0,9%, chốt ở 63,83 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 9 tăng 0,64 USD/thùng, tương đương tăng 1%, đạt 56,77 USD/thùng.
"Tình hình ở Iran tạm thời có vẻ được kiềm chế, và ngồn cung dầu của Libya đã được nối lại đầy đủ", ông Bill Baruch, Chủ tịch Blue Line Futures, nhận định về lý do khiến giá dầu tăng dè dặt mấy phiên gần đây, dù căng thẳng ở Vùng Vịnh leo thang.
Sharara, mỏ dầu lớn nhất của Libya, đã hoạt động bình thường trở lại vào ngày thứ Ba, sau khi bị gián đoạn khai thác vào tuần trước. Mỏ dầu này có sản lượng 290.000 thùng/ngày.
Ông Baruch nhấn mạnh rằng "căng thẳng ở Trung Đông là điều luôn hiện hữu, nhưng điều này không khiến giá dầu biến động nhiều bởi mọi người đang chờ thống kê về nguồn cung dầu Mỹ".
Vào ngày thứ Tư theo giờ Mỹ, Cơ quan Thông tin năng lượng (IEA) thuộc Bộ Năng lượng nước này sẽ công bố báo cáo hàng tuần về lượng xăng dầu tồn kho. Bất kỳ sự tăng, giảm vượt dự báo nào trong báo cáo này cũng có thể khiến giá dầu giảm, tăng mạnh.
Giới phân tích đang dự báo tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng trong tuần báo cáo.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng chậm lại do kinh tế giảm tốc là mối lo lớn nhất của giới đầu cơ dầu lửa giá lên thời gian gần đây.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 23/7 một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới, cảnh báo rằng thuế quan nếu được áp thêm giữa Mỹ và Trung Quốc, thuế quan ô tô, và một vụ Brexit hỗn loạn có thể khiến nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn nữa.
Hôm Chủ nhật, ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong 2019, tương tự động thái của các nhà dự báo khác.
"Trong nửa đầu năm nay, giá dầu được hỗ trợ bởi những diễn biến về nguồn cung. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã khiến các nhà đầu cơ dầu giá lên thận trọng trong tháng này", nhà môi giới Tamas Varga thuộc PVM nhận xét.
Nhiều tháng qua, căng thẳng ở Vùng Vịnh đã nhiều lần đẩy giá dầu tăng do Mỹ tìm cách cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran. Ngoài ra, giá dầu còn được nâng đỡ bởi nỗ lực hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, tức nhóm OPEC+.
Mặc dù vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gần đây nói rằng nguồn cung dầu của thế giới vẫn đang dồi dào nhờ sản lượng dầu tăng mạnh của Mỹ và các nước khác ngoài OPEC.
"Với tất cả những nhân tố tác động như vậy, thị trường dầu lửa hiện khá dè dặt. Khi căng thẳng xuất hiện, giá dầu không còn phản ứng mạnh nữa", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital giải thích.