Giá dầu hôm nay 4/5 giảm mạnh chờ động thái của Fed
Giá dầu hôm nay 4/5 giảm mạnh khi thị trường lo ngại Fed tăng lãi suất.
Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 66,48 USD/thùng - giảm 3,09%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 72,33 USD/thùng - giảm 3,97%.
Giá dầu lao dốc trong phiên giao dịch ngày 3/5, đánh dấu ngày giảm thứ hai trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, cũng như lo lắng ngày càng tăng về viễn cảnh suy thoái xuất phát từ tình trạng của các ngân hàng Mỹ. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng dự kiến tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách thường kỳ vào thứ 5.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil cho biết: "Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ tăng thêm một phần tư điểm vào cuối ngày hôm nay như một phần của cuộc chiến lâu dài chống lại lạm phát".
Hợp đồng WTI tháng 6 giảm 5,1% xuống 68,29 USD/thùng trong khi dầu Brent giao tháng 6 thấp hơn 4,7% xuống 71,80 USD, mức thấp nhất trong hơn một năm qua.
Sự sụp đổ hiện tại phản ánh chặt chẽ sự suy giảm của tháng 3 khi cuộc khủng hoảng ngân hàng lần đầu tiên diễn ra, cho thấy thị trường đang lo ngại về triển vọng nhu cầu. Thị trường tài chính đang quay cuồng sau sự sụp đổ của First Republic Bank, ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ. JPMorgan Chase & Co. sẽ tiếp quản tài sản của First Republic Bank bao gồm 173 tỷ USD cho vay và 30 tỷ USD chứng khoán, cũng như 92 tỷ USD tiền gửi của khách hàng.
JPMorgan đã cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng có rất ít khả năng biến điều này thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện. Nhưng thị trường đang ngày càng trở nên lo lắng sau khi những lời hứa tương tự được đưa ra sau sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Thung lũng Silicon và cuộc khủng hoảng thanh khoản tại ngân hàng khổng lồ Credit Suisse hồi tháng 3.
Giá năng lượng cũng chịu áp lực sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất Trung Quốc giảm trong tháng 4. Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và là nước mua dầu thô hàng đầu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch sẽ đóng vai trò then chốt đối với châu Á khi mới đây đã nâng dự báo kinh tế cho khu vực. Tuy nhiên, quỹ này cũng cảnh báo về những rủi ro lạm phát kéo dài và biến động thị trường toàn cầu do những tác động từ ngành ngân hàng phương Tây.