Giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử đắt hơn xăng, vì sao?
Theo các chuyên gia, dầu đắt hơn xăng, ngoài tác động của diễn biến thế giới khi chuyển đổi từ khí đốt sang dầu, thì còn do điều hành Quỹ BOG...
Chưa từng có trong lịch sử
Sau kỳ điều hành giá ngày 5/9, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước.
Hiện giá dầu diesel lên 25.180 đồng/lít, sau khi tăng 1.430 đồng/lít; Dầu hỏa lên 25.440 đồng/lít, sau khi tăng thêm 1.390 đồng...
Trong khi, giá xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít, sau khi giảm 370 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít, sau khi giảm 430 đồng/lít.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng dầu đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm (tăng 38,12%); Trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức tương đương đầu tháng 1.
Nguyên nhân do đâu?
Trước diễn biến hy hữu trên, khi lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu cao hơn giá xăng, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có những chia sẻ với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Theo ông Khanh, nguyên nhân đầu tiên là do giá dầu thành phẩm trên thế giới tăng, với mức tăng ngưỡng 10-16% so với giá bình quân kỳ điều hành ngày 22/8.
Việc tăng giá dầu diesel là do, hiện nay các nước châu Âu chuyển đổi thay thế nhiên liệu khí đốt của Nga sang sử dụng dầu diesel, khiến nhu cầu tăng cao.
Thực tế, thị trường diesel thắt chặt đã đẩy giá diesel lên mức cao kỷ lục. Tại Anh, giá bán lẻ dầu diesel ở thời điểm trung tuần tháng 7 là 197,25 pence/lít, gần mức cao nhất mọi thời đại (theo dữ liệu từ RAC).
Mấy tuần gần đây, mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu đã kéo dầu thô và các sản phẩm xăng dầu giảm giá, nhưng giá khí đốt tăng mạnh (hiện đang ở mức cao gấp 10 lần so với mức bình quân 10 năm qua ở châu Âu), điều này có thể dẫn tới sức ép gia tăng trên thị trường dầu.
Giá khí đốt tự nhiên đang cao đến nỗi các công ty năng lượng và nhà máy được khuyến khích chuyển sang dùng diesel để phát điện.
Một báo cáo của JPMorgan cho rằng, xu hướng này có thể đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng thêm 700.000 thùng/ngày trong mùa đông năm nay. Nhu cầu dầu gia tăng để phát điện có thể khiến thị trường diesel toàn cầu càng thắt chặt hơn và đẩy giá diesel lên kỷ lục mới.
Một nguyên nhân khác được Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu nhắc đến là nhu cầu dầu diesel tăng cao cuối năm, thời điểm cao điểm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa... do loại dầu này là nguyên liệu chính phục vụ cho ngành vận tải, đánh bắt hải sản, sản xuất công nghiệp...
Tồn kho dầu diesel của Mỹ giảm là mấu chốt tiếp khiến cuộc khủng hoảng dầu diesel toàn cầu đang trở nên tồi tệ hơn. Theo ông Khanh, tồn kho nhiên liệu tại Mỹ thậm chí đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất cho thời điểm này trong năm, ít nhất là khi so với 32 năm qua.
Dự báo, trong vài tháng tới, tình trạng thiếu hụt dầu diesel có thể trở nên tồi tệ hơn khi mùa lạnh bắt đầu và Liên minh châu Âu (EU) chính thức cấm nhập khẩu nhiên liệu qua đường biển từ Nga vào đầu năm 2023.
Hiện, Mỹ đang xuất khẩu ngày càng nhiều dầu diesel sang châu Âu, nhưng khó có thể tăng thêm nguồn cung vì tồn kho trong nước hiện thấp hơn nhiều so với mức trung bình theo mùa, trong khi các nhà máy lọc dầu đã hoạt động gần 100% công suất....
Điều hành chưa linh hoạt?
Tuy nhiên, ông Khanh bày tỏ, đáng nhẽ cơ quan điều hành giá có thể hỗ trợ thêm từ Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) để không cho giá dầu diesel tăng cao hơn giá xăng.
Bởi thực tế, lần này, cơ quan điều hành chi Quỹ BOG đối với dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, tuy nhiên, ở các kỳ trước, mặt hàng này vẫn liên tiếp được trích lập.
Cụ thể, ở phiên điều hành giá ngày 22/8, mặc dù giá dầu diesel tăng 850 đồng/lít nhưng liên Bộ vẫn trích vào quỹ 250 đồng/lít; Ngày 11/8, dầu diesel được trích lập 350 đồng/lít; Mức trích lập 450 đồng/lít ở kỳ điều hành ngày 1/8; Mức trích lập 550 đồng/lít ở cả kỳ điều hành ngày 21/7 và 11/7...
Theo nhận định một của một số chuyên gia xăng dầu, dầu là mặt hàng liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động sản xuất, ngành vận tải, sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Trong đó, dầu diesel là nhiên liệu chính cho các loại xe chở hàng nặng như tàu hỏa, ôtô khách, xe tải và phương tiện cần hỗ trợ như tàu đánh cá, máy móc xây dựng.
Khi mặt hàng dầu vẫn neo mức cao so với đầu năm khiến ngư dân ra khơi và nông dân các địa phương đang vào mùa thu hoạch lúa hè thu gặp nhiều khó khăn...
Do vậy, cần sự điều hành linh hoạt Quỹ BOG, tránh trường hợp dầu đang phải “trợ giá” cho cả RON 95 hay E5 RON 92.
PGS. TS Phạm Thế Anh phân tích, thời gian qua, mặc dù giá các loại xăng dầu luôn có biến động cùng nhau (cùng tăng, cùng giảm) trong kỳ, nhưng không phải tất cả chúng đều phải trích nộp hay được xả quỹ cùng lúc.
Thực tế, thời điểm giá xăng dầu diễn biến mạnh trong giai đoạn 1/1/2020 đến 1/4/2022, có tất cả 56 lần điều chỉnh giá. Tuy nhiên, phần lớn là xăng được chi Quỹ, còn dầu phải trích lập nhiều hơn.
Như vậy, dầu đang phải “trợ giá” cho cả RON 95 hay E5 RON 92. Đó là sự bất công bằng giữa những người sử dụng các mặt hàng này.
“Ở đây họ không có tiêu chí nào cả, rất tùy hứng, tùy tiện. Việc trích lập Quỹ mặt hàng nào hay chi Quỹ cho mặt hàng nào không có tiêu chí nào cả. Hay họ có tiêu chí mà họ không công khai. Cho nên việc trích và chi Quỹ đối với những người quan sát bên ngoài thấy nó khá tùy tiện”, PGS. TS Phạm Thế Anh nói.