Giá dầu lao dốc, Nga cảnh báo về 'cơn bão kinh tế toàn cầu'
Hôm thứ Hai 8/4, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ làm mọi cách để bảo vệ nền kinh tế trước làn sóng biến động mạnh trên thị trường dầu mỏ, đồng thời cảnh báo về một 'cơn bão kinh tế toàn cầu' có thể kéo theo nguy cơ suy thoái.

Nga cảnh báo về một “cơn bão kinh tế toàn cầu” do giá dầu giảm. Hình minh họa
Giá dầu Brent đã giảm mạnh 2,5%, tương đương 1,61 USD, xuống còn 63,97 USD/thùng. Chỉ trong 4 phiên giao dịch gần nhất, giá dầu đã mất tới 15% do lo ngại kinh tế toàn cầu chững lại, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hàng loạt mức thuế mới và OPEC+ bất ngờ nâng sản lượng.
Đà giảm này là mối đe dọa trực tiếp với Nga – nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới – trong bối cảnh Moscow đang tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cho cuộc chiến tại Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Chính phủ nước này đang theo dõi sát giá dầu – nguồn thu lớn của ngân sách Liên bang.
“Chúng tôi đang theo dõi rất kỹ tình hình, vốn đang biến động mạnh, nhiều bất ổn và đầy yếu tố tiêu cực. Các cơ quan kinh tế đang nắm sát tình hình và chắc chắn sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hạn chế tác động của ‘cơn bão kinh tế’ toàn cầu đối với nước Nga”, ông Peskov nói với báo chí.
Hiện giá dầu Urals – loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga từ các cảng như Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk – chỉ còn khoảng 53 USD/thùng. Mức này thấp hơn đáng kể so với mức giá trung bình 69,7 USD/thùng mà Nga dùng làm cơ sở để tính ngân sách năm 2025.
Xuất khẩu dầu khí hiện đóng góp khoảng 1/3 tổng thu ngân sách Liên bang, là nguồn lực chính giúp Nga tăng chi tiêu quốc phòng thêm 25% trong năm nay.
Chưa rõ liệu đợt giảm giá dầu lần này có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine hay không. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin vẫn ủng hộ ý tưởng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng đến nay Nga vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía Mỹ liên quan đến đề xuất ngừng bắn mà chính quyền Trump đưa ra.
Đáng chú ý, các mặt hàng dầu thô, khí đốt và sản phẩm tinh chế không nằm trong danh sách chịu thuế mới của Mỹ, dù các ngành khác đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng áp thuế mới.
Rủi ro đối với dầu mỏ
Từ lâu, dầu khí vừa là lợi thế vừa là điểm yếu của Nga. Kể từ sau Thế chiến II, khi Liên Xô phát hiện ra các mỏ dầu khổng lồ ở Tây Siberia – vùng có trữ lượng hydrocarbon lớn nhất thế giới – ngành năng lượng đã trở thành trụ cột của nền kinh tế.
Khi giá dầu tăng, nguồn tài nguyên dồi dào này mang lại nguồn thu lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và chi tiêu công. Nhưng ngược lại, khi giá dầu giảm mạnh, nền kinh tế Nga dễ rơi vào khủng hoảng – điều từng xảy ra vào năm 1991, góp phần dẫn đến sự tan rã của Liên Xô và kéo theo nhiều hệ lụy địa chính trị nghiêm trọng.
Tháng trước, hãng tin Reuters dẫn lời Ngân hàng Trung ương Nga cảnh báo rằng giá dầu có thể giảm sâu và kéo dài – kịch bản từng xảy ra trong thập niên 1980.
“Giá dầu giảm do nhu cầu toàn cầu tăng chậm, cộng với việc đồng rúp mạnh lên, có thể đe dọa nguồn thu ngân sách. Điều này khiến mục tiêu cân đối ngân sách sơ cấp trong năm nay trở nên khó khăn hơn”, báo cáo ngày 2/4 của Ngân hàng Trung ương Nga nêu rõ.
Ngân sách năm 2025 của Nga được xây dựng dựa trên giả định rằng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao và tỷ giá ở mức 96,5 rúp đổi 1 USD. Tuy nhiên, thực tế đồng rúp đã mạnh lên và hiện giao dịch quanh mức 86,3 rúp/USD trên thị trường phi tập trung.
Khi tính thuế với dầu thô, Chính phủ Nga dựa vào mức giá trung bình của hai loại dầu: Urals và ESPO Blend – trong đó dầu ESPO có giá cao hơn. Tuy vậy, theo tính toán của Reuters, giá dầu trung bình của Nga hiện đã giảm xuống còn khoảng 4.476 rúp/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023, và kém xa so với mức 6.726 rúp/thùng được đưa vào dự toán ngân sách Liên bang.
Đối với thị trường dầu toàn cầu – đặc biệt là với hai quốc gia xuất khẩu lớn nhất là Ả Rập Xê Út và Nga – mức độ nghiêm trọng của “cơn bão giá dầu” hiện nay sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Quyết định sắp tới của OPEC+ về chính sách sản lượng, và nguy cơ Mỹ phát động tấn công quân sự vào Iran.