Giá dầu liên tục giằng co với hy vọng hạ nhiệt

Tình trạng cung không theo kịp cầu vẫn giữ giá dầu thế giới ở mức cao. Nhưng những động thái mới của các lãnh đạo G7 mang tới hy vọng hạ nhiệt giá dầu.

Theo dữ liệu của Trading Economics, hôm 27/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 110 USD/thùng. Tuy nhiên, giá đã nhanh chóng phục hồi từ 109,25 USD/thùng lên 113,49 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI liên tục trồi sụt trong vùng 104-107 USD/thùng.

Theo giới quan sát, giá dầu lao dốc khi giới quan sát lo ngại về rủi ro kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, G7 (nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) đang thảo luận về các biện pháp mới đối với dầu Nga và khả năng nối lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran.

Biến động của giá dầu thô Brent trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Biến động của giá dầu thô Brent trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics.

Các động thái của G7

Theo Reuters, tuần này, các lãnh đạo G7 dự kiến thảo luận về các phương án giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao, thay thế dầu, khí đốt nhập khẩu từ Nga và đưa ra những biện pháp trừng phạt nhưng không làm gia tăng lạm phát.

Các biện pháp bao gồm áp mức giá trần đối với những sản phẩm thô và dầu của Nga nhằm hạn chế doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Moscow, nhưng vẫn không hủy hoại các nền kinh tế khác.

"Không rõ việc áp giá trần có đạt kết quả hay không", ông Vivek Dhar - nhà phân tích của Commonwealth Bank of Australia - bình luận.

Để đáp trả việc áp giá trần, Nga có thể cấm xuất khẩu dầu và những sản phẩm tinh chế sang các nước G7. Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường toàn cầu

Ông Vivek Dhar, nhà phân tích của Commonwealth Bank of Australia

"Để đáp trả việc áp giá trần, Nga có thể cấm xuất khẩu dầu và những sản phẩm tinh chế sang các nước G7. Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường toàn cầu", ông cảnh báo.

G7 cũng sẽ thảo luận về việc nối lại đàm phán hạt nhân Iran. Cụ thể, hôm 26/6, một quan chức Pháp thông báo các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Mỹ sẽ tổ chức hội đàm 4 bên vào sáng 28/6 để bàn về chương trình hạt nhân của Iran và hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Tehran.

Iran là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu dầu thô của Tehran vấp phải khó khăn do các biện pháp trừng phạt của Washington liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.

"Thị trường dầu sẽ dồn sự chú ý vào khả năng nối lại đàm phán hạt nhân Iran. Điều này có thể giúp phục hồi hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran", nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets bình luận.

Ngoài ra, theo nguồn tin của Reuters, một số lãnh đạo G7 đang thúc đẩy đầu tư mới vào năng lượng hóa thạch. Các nước châu Âu đang chật vật để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga.

Khoảng cách cung - cầu vẫn lớn

Nỗi lo ngại suy thoái cũng góp phần hạ nhiệt giá dầu. "Những lo ngại về rủi ro suy thoái của nền kinh tế đã ngăn dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường dầu. Điều đó khiến giá dầu lao dốc, ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm trên toàn cầu", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore - bình luận với Zing.

Ông Halley chỉ ra nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ khi ngân hàng trung ương siết chặt chính sách. Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định Mỹ cần đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Ông thừa nhận rằng việc nâng lãi suất mạnh tay có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.

Theo người đứng đầu FED, việc đưa nền kinh tế hạ cánh an toàn là "rất khó khăn".

Ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - cho rằng FED sẵn sàng đánh đổi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn để kiểm soát lạm phát. "Điều này sẽ tác động lên giá dầu", ông giải thích.

Mới đây, Citigroup cho rằng nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lên tới gần 50%, khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát.

 Nhu cầu di chuyển bùng nổ sau thời kỳ đại dịch khiến khoảng cách cung - cầu trên thị trường dầu toàn cầu càng lớn. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu di chuyển bùng nổ sau thời kỳ đại dịch khiến khoảng cách cung - cầu trên thị trường dầu toàn cầu càng lớn. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, Trung Quốc - động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu - vẫn đang chật vật với dư chấn từ các đợt phong tỏa ngăn Covid-19. Cùng với đó là sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn được duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng. Nguyên nhân là nguồn cung trên thực tế của dầu thô và các sản phẩm tinh chế bị thắt chặt trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu di chuyển vẫn cao khi nhiều quốc gia mở cửa lại sau thời kỳ đại dịch.

Đầu tháng này, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và liên minh) đồng ý nâng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong tháng 7. Nhưng theo ông Edward Gardner - nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, ngay cả khi hạn ngạch sản xuất đối với các nước thành viên OPEC+ dần được nới lỏng, đa số quốc gia không thể tăng sản lượng ngay lập tức.

"Hầu hết thành viên không có khả năng tăng sản lượng trong ngắn hạn. Một số thành viên, chẳng hạn Angola và Nigeria, thậm chí có thể chứng kiến sản lượng thấp hơn trong những tháng tới vì thiếu hụt đầu tư", ông Gardner cảnh báo.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dau-lien-tuc-giang-co-voi-hy-vong-ha-nhiet-post1330370.html