Công ty tư vấn Ernst & Young (EY) cảnh báo nguy cơ giá dầu tăng cao lên mức 150 USD/thùng. Điều này có thể xảy ra nếu Mỹ hoặc Iran tham gia cuộc xung đột Israel - Hamas.
Dự báo này được đưa ra bởi nhà kinh tế trưởng Greg Daco của công ty EY. Tưởng như viễn cảnh trên mang tới lợi ích lớn cho Nga, nhưng đối với Moskva, họ không coi mức giá này là tín hiệu đáng mừng.
Ông Daco đã nêu 3 kịch bản có thể xảy ra, bi quan nhất giả định rằng cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ không kết thúc và trong tương lai có sự tham gia của Mỹ, Iran hoặc cả hai. Trong trường hợp này, giá dầu Brent có thể tăng vọt lên 150 USD/thùng.
Chuyên gia Daco cũng nói về hai kịch bản khác có thể xảy ra đối với diễn biến các sự kiện ở khu vực Trung Đông.
Trong kịch bản lạc quan nhất, giá dầu Brent sẽ chỉ tăng 3 USD/thùng và viễn cảnh vừa phải giả định rằng báo giá dầu Brent trước tiên sẽ tăng 7 USD/thùng và sau đó giảm xuống.
Nhìn chung, tất cả các kịch bản nói trên đều mô tả sự gia tăng giá đối với “vàng đen”, mặc dù ở các giá trị khác nhau.
Trước khi xung đột Hamas - Israel bùng nổ, giá dầu Brent được giao dịch quanh mức 83 - 84 USD/thùng, nhưng sau khi chiến sự bắt đầu, giá đã tăng mạnh.
Tại phiên giao dịch diễn ra vào ngày 19/10, giá dầu Brent đã vượt quá 93 USD/thùng và sau đó vẫn liên tục duy trì ở mức cao trên 90 USD/thùng.
Thật không may, kịch bản xấu nhất đối với nền kinh tế (giá dầu ở mức 150 USD/thùng) có vẻ rất thực tế.
Thị trường thế giới hiện không có đủ dầu. Và nếu Iran - quốc gia xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Trung Đông thì hoạt động xuất khẩu này sẽ không còn tồn tại.
Có vẻ như việc tăng giá dầu sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nga từ mọi phía, nhưng thực tế mọi việc nhiều khả năng sẽ đi theo một chiều hướng khác biệt hoàn toàn.
Ông Igor Yushkov - nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga cho biết: “Trong ngắn hạn, điều này tốt cho nước Nga. Chúng ta sẽ có thể tăng khối lượng sản xuất và xuất khẩu. Nhưng kịch bản này cũng có những bất lợi".
Nhà phân tích giải thích: "Tình trạng giá cao sẽ không kéo dài. Ở mức 150 USD, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái và mức tiêu thụ năng lượng sẽ giảm".
"Nếu nhu cầu giảm, giá dầu sẽ giảm theo và con đường thoát khỏi suy thoái kinh tế sẽ còn rất dài, bản thân thị trường sẽ hình thành một mức giá mới cho mỗi thùng dầu thô".
"Nói một cách dễ hiểu, kịch bản này không có lợi cho Nga. Mức giá 80 - 90 USD/thùng hiện nay là tối ưu, chúng phù hợp với cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, khiến quy mô nền kinh tế không bị thu hẹp", ông Yushkov giải thích.
Vị chuyên gia còn nhận thêm câu hỏi: "Nếu kịch bản bi quan xảy ra, giá xăng ở thị trường nội địa nước Nga sẽ là bao nhiêu"?
Ông Yushkov trả lời: "Tất nhiên các nhà sản xuất sẽ muốn tăng giá xăng và dầu diesel, điều này luôn xảy ra. Nhưng nếu 'cơ cấu giảm chấn' của nền kinh tế hoạt động bình thường thì mức giá khó có thể thay đổi nhiều".