Giá dầu 'nín thở' chờ tín hiệu đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran

Giá dầu thế giới gần như đi ngang trong phiên ngày 19/5 sau khi vừa có tuần leo dốc thứ hai liên tiếp nhờ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt.

Giá dầu ít biến động trong phiên giao dịch đầu tuần, khi các nhà đầu tư tập trung theo dõi thông tin liên quan đến các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Mỹ, cũng như chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới.

Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu Brent giảm nhẹ 5 xu Mỹ, xuống còn 65,36 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ 3 xu Mỹ lên mức 62,52 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ lên mức 62,52 USD/thùng. Ảnh: Oilprice

Trong phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu WTI của Mỹ tăng nhẹ lên mức 62,52 USD/thùng. Ảnh: Oilprice

Trong tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 1% sau khi Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia tiêu thụ dầu và là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đạt được thỏa thuận tạm hoãn cuộc chiến thương mại trong 90 ngày. Thỏa thuận này bao gồm việc cả hai bên sẽ giảm mạnh các mức thuế đang áp dụng, giúp khơi thông dòng chảy thương mại và cải thiện tâm lý thị trường.

Trong ngày 19/5, Trung Quốc dự kiến sẽ công bố một loạt số liệu kinh tế, trong đó có sản lượng công nghiệp, dữ liệu quan trọng phản ánh nhu cầu tiêu thụ năng lượng và hàng hóa công nghiệp. Các chuyên gia tại Ngân hàng ANZ nhận định: “Bất kỳ dấu hiệu suy yếu nào từ dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cũng có thể làm lung lay tâm lý lạc quan có được nhờ quyết định đình chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh”.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang dõi theo chặt chẽ diễn biến đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran. Đặc phái viên của Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff ngày 18/5 tuyên bố, bất kỳ thỏa thuận hạt nhân mới nào trong tương lai cũng phải bao gồm điều kiện Iran không được làm giàu uranium. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cùng ngày khẳng định, nước này sẽ không từ bỏ hoạt động làm giàu uranium bất chấp cảnh báo cứng rắn từ Washington.

Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của IG nhận định: “Có rất nhiều kỳ vọng đối với các vòng đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran, nhưng trên thực tế, chính quyền Tehran khó có thể tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân mà họ luôn coi là bất khả xâm phạm, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại Trung Đông đang suy yếu”.

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng ING lưu ý rằng một thỏa thuận hạt nhân tiềm năng giữa Washington và Tehran sẽ dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Điều này sẽ làm giảm rủi ro đối với nguồn cung nhiên liệu toàn cầu, cho phép Iran tăng sản lượng và tìm được thêm nhiều khách hàng mua dầu. Theo dự báo của giới chuyên gia, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày nếu lệnh cấm vận dầu mỏ Iran được gỡ bỏ.

Mặc dù giá dầu phục hồi trong 2 tuần qua, các chuyên gia phân tích tại BMI, một đơn vị của Fitch Solutions, vẫn duy trì dự báo giá dầu Brent trung bình đạt 68 USD/thùng trong năm 2025 và đạt 71 USD/thùng trong năm 2026, giảm so với mức 80 USD/thùng trong năm 2024, do chính sách thương mại bất định về triển vọng giá cả.

Một yếu tố khác cũng góp phần làm tăng lo ngại trên thị trường là dự báo tình trạng dư cung. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước đã tăng dự báo tăng trưởng nguồn cung toàn cầu trong năm 2025 thêm 380.000 thùng/ngày, khi Ả Rập Saudi và các thành viên Tổ chức Các nước xuất dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) chấm dứt thỏa thuận tự nguyện cắt giảm sản lượng.

IEA cũng dự báo tình trạng dư cung trong năm 2026, mặc dù đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 thêm 20.000 thùng/ngày. Theo IEA, bất chấp động thái hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sự bất định trong thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục tạo áp lực lên kinh tế thế giới và kéo theo nhu cầu dầu mỏ suy giảm.

Đáng chú ý, dữ liệu kinh tế gần đây từ Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số các thị trường dầu lớn nhất thế giới, đã yếu hơn kỳ vọng, càng làm gia tăng lo ngại về một chu kỳ suy giảm nhu cầu năng lượng. Các nhà giao dịch hiện đang theo dõi các tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), điều này có thể thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhu cầu dầu.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-dau-nin-tho-cho-tin-hieu-dam-phan-hat-nhan-my-iran.708204.html