Giá dầu tăng kỉ lục: IEA khuyến nghị làm việc tại nhà và hạn chế lái xe cá nhân
Hôm thứ sáu (18/3) Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng các chính phủ trên thế giới phải xem xét các biện pháp quyết liệt để giảm nhu cầu dầu khi đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang nổi lên do cuộc xung đột Nga-Ukraine
Cơ quan giám sát năng lượng đã vạch ra một kế hoạch khẩn cấp bao gồm giảm giới hạn tốc độ đường cao tốc ít nhất 6 dặm một giờ, làm việc tại nhà tối đa ba ngày mỗi tuần nếu có thể và các ngày Chủ nhật ô tô hạn chế hoạt động ở các thành phố.
Các khuyến nghị này đối với các nền kinh tế tiên tiến như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ tìm cách bù đắp cho sự thụt giảm ‘đáng sợ’ gần một phần ba sản lượng dầu của Nga do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
Để giảm thiểu tối đa nhu cầu sử dụng xăng dầu thì biện pháp hữu dụng nhất là làm việc tại nhà và hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Internet.
Các bước tiến khác trong kế hoạch khẩn cấp bao gồm tăng cường chia sẻ ô tô (được kỳ vọng thay thế việc sở hữu xe cá nhân và giảm tải phương tiện công cộng trong các vùng đô thị), sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì máy bay, tránh đi công tác bằng máy bay bất cứ khi nào có thể và khuyến khích đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng.
Theo IEA, các động thái này, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu lên đến 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng, bằng với lượng dầu tiêu thụ của tất cả ô tô ở Trung Quốc. Và hiệu quả sẽ tăng lên nếu các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc áp dụng chúng một phần hoặc toàn bộ.
Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp này sẽ làm gián đoạn hoặc thậm chí làm chậm nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là đối với giao thông vận tải.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Do hậu quả chiến dịch quân sự của Nga đối với Ukraine, thế giới có thể đang phải đối mặt với cú sốc cung cấp dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, với những tác động to lớn đối với nền kinh tế và xã hội của chúng ta”.
Các đề xuất phản ánh thực tế rằng thế giới có ít lựa chọn để nhanh chóng thay thế nguồn cung dầu từ Nga, dự đoán sẽ là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới vào năm 2021.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đã phát đi tín hiệu rằng họ không vội vàng tăng sản lượng và việc giải phóng các kho dự trữ dầu khẩn cấp đã giúp giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt.
Ông Bob McNally, chủ tịch Rapidan Energy, nhận định: “Mỹ và các quốc gia IEA khác hiện nhận ra rằng thiếu lượng dầu xuất khẩu của Nga thể hiện cú sốc nguồn cung lớn hơn so với việc rút hàng chiến lược hoặc tăng sản lượng OPEC+”.
Được biết, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt trong những tháng gần đây, đẩy giá xăng tại Mỹ lên mức cao nhất mọi thời đại. Bất chấp việc giảm nhẹ so với mức giá cao gần đây, giá dầu đã tăng trở lại trên 100 USD/thùng vào thứ Năm, do những lo ngại mới về tác động đối với nguồn cung năng lượng của Nga.
Lê Na (Theo CNN)