Giá dầu tăng: Nỗi lo của kinh tế toàn cầu

Thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC và các đồng minh (OPE+) khiến giá dầu tăng mạnh. Các nhà nhập khẩu dầu lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chịu tác động nhiều nhất nếu giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng.

Ngày 2/4/2023, OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng mỗi ngày. Ông Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James cho biết: “Đó là tin xấu đối với mọi nền kinh tế nhập khẩu dầu mỏ”.

Quyết định giảm sản lượng của OPEC+ khiến giá dầu tăng từ dưới 80 USD/thùng cuối tháng 3/2023 lên trên 85 USD/thùng vào ngày 7/4/2023, dù đã có diễn biến hồi phục từ gần 73 USD/thùng giữa tháng 3. Giá dầu hiện được không ít ý kiến dự báo có thể đạt 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Thậm chí, nhà phân tích năng lượng hàng đầu Paul Sankey dự đoán, dầu thô ở mức 100 USD/thùng có thể sớm trở thành “bình thường mới”.

Diễn biến giá dầu thô thế giới. Đơn vị: USD/thùng. Nguồn: Financial Times.

Diễn biến giá dầu thô thế giới. Đơn vị: USD/thùng. Nguồn: Financial Times.

“Không phải Mỹ sẽ cảm thấy đau đớn nhất với giá dầu 100 USD/thùng, mà là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp...”, ông Molchanov nhận định.

Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của các quốc gia trong liên minh dầu mỏ sẽ bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến cuối năm 2023. Cả Ả rập Xê út và Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng mỗi ngày, trong khi các thành viên OPEC khác như Kuwait, Oman, Iraq, Algeria, Kazakhstan cũng giảm sản lượng.

Nếu giá dầu tiếp tục tăng, ông Molchanov cho rằng, ngay cả “dầu thô giảm giá” của Nga cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ.

Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất từ giá dầu tăng là các ngành công nghiệp ở thị trường mới nổi phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là Nam và Đông Nam Á, cũng như các ngành công nghiệp nặng siêu phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba trên thế giới và đã mua dầu của Nga với giá chiết khấu cao kể từ khi Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi xung đột quân sự với Ukraine. Tính riêng tháng 2/2023, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Nhật Bản, dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng nhất và chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung cấp năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, với khoảng 80 - 90% đến từ khu vực Trung Đông.

Tương tự, dầu mỏ chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc và Ý, hai nước này phụ thuộc hơn 75% vào dầu nhập khẩu.

Châu Âu và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ giá dầu tăng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ít hơn do có hoạt động sản xuất dầu, trong khi toàn bộ châu Âu chủ yếu dựa vào hạt nhân, than đá và khí đốt tự nhiên.

Một số thị trường mới nổi không có khả năng ngoại tệ để hỗ trợ nhập khẩu dầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức giá 100 USD/thùng như Sri Lanka, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Pakistan, vì dầu được định giá bằng USD.

Tuy nhiên, mức giá cao có thể không tồn tại lâu, vì sẽ khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng trở lại. Mặt khác, giá dầu cao hơn có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế, khiến nhu cầu về dầu suy giảm.

“Về lâu dài, giá dầu có thể dao động trong khoảng 80 - 90 USD/thùng hoặc hơn”, ông Molchanov nói.

Linh Hương / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-dau-tang-noi-lo-cua-kinh-te-toan-cau-post318828.html