Giá dầu thế giới đi qua một tuần trồi sụt thất thường

Giá dầu thô tại hầu hết các thị trường trên thế giới đã bắt đầu năm mới với một đợt phục hồi, khi Trung Quốc có dấu hiệu mua dầu nhiều hơn.

Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giá dầu thế giới biến động trái chiều trong tuần qua, trước khi Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp trần giá đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga từ ngày 5/2 tới.

Những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu dồi dào của Nga đã lấn át dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo, biên lợi nhuận các sản phẩm chưng cất bậc trung mạnh và hy vọng về sự phục hồi nhu cầu nhanh chóng của Trung Quốc.

Các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng ANZ cho biết dữ liệu cho thấy hoạt động đi lại ở Trung Quốc đã tăng mạnh sau khi các biện pháp chống dịch COVID-19 được nới lỏng. Họ đồng thời chỉ ra rằng tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ ở 15 thành phố trọng điểm của nước này trong tháng 1/2023 đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Giá dầu thô tại hầu hết các thị trường trên thế giới đã bắt đầu năm mới với một đợt phục hồi, khi Trung Quốc có dấu hiệu mua dầu nhiều hơn. Ngoài ra, có những lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể thắt chặt nguồn cung toàn cầu.

EU và G7 dự kiến sẽ áp trần giá đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga từ ngày 5/2. Trước đó, liên minh này đã áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga kể từ tháng 12/2022. EU cũng áp lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga nhập khẩu bằng đường biển.

Nhà phân tích Craig Erlam của nền tảng giao dịch OANDA cho biết dầu Brent dự kiến sẽ quay trở lại phạm vi giá từ 90-100 USD/thùng khi nguồn cung cho thị trường dầu mỏ thắt chặt.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 27/1), giá dầu Brent hạ 81 xu Mỹ (tương đương 0,9%) xuống 86,66 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, giá dầu này tăng nhẹ 3 xu Mỹ. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI mất 1,33 USD (tương đương 1,6%) còn 79,68 USD/thùng. Trong cả tuần qua, giá dầu này WTI giảm 2%.

Mức tải dầu từ các cảng Baltic của Nga dự kiến tăng 50% trong tháng này so với tháng 12/2022, nhằm đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á và hưởng lợi từ sự gia tăng giá năng lượng toàn cầu.

John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Nếu nguồn cung của Nga vẫn mạnh trong tháng tới, dầu có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm”. Ông Kilduff cũng nói thêm rằng, việc chốt lời trước cuối tuần có thể khiến giá dầu suy giảm.

Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng của Mỹ trong tuần này đã giữ số giàn khoan dầu và khí đốt ổn định ở mức 771 giàn.

Trong khi đó, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ sẽ nhóm họp vào tuần tới để xem xét mức sản lượng dầu thô, với nhiều nguồn tin dự báo không có sự thay đổi nào đối với chính sách sản lượng hiện tại.

Quyết định tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào ngày 31/1 – 1/2/2023, trong bối cảnh lạm phát giảm và tăng trưởng GDP nhanh hơn dự báo, đạt 2,9% trong quý IV/2022./.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-the-gioi-di-qua-mot-tuan-troi-sut-that-thuong/278070.html