Giá dầu thế giới tăng rất mạnh trước động thái của OPEC+

Cơ sở khai thác dầu tại Almetyevsk, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

* Chính phủ Pháp không hạn chế nguồn cung xăng dầu do đình công

Trong tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới đã tăng mạnh với tốc độ hai con số, trong đó giá dầu Brent Biển Bắc đạt mức gần 100 USD/thùng, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) công bố quyết định cắt giảm sản lượng dầu để phản ứng trước việc thị trường năng lượng đã chứng kiến 4 tháng suy giảm liên tiếp.

Phiên giao dịch ngày 7/10, giá dầu Brent giao dịch tại London đã tăng 3,50 USD, tương đương 3,7%, lên mức 97,92 USD/thùng. Như vậy trong tuần qua, giá dầu Brent đã tăng 11%, sau khi giảm 11% hồi tháng Chín và giảm 22% trong quý 3/2022.

Trong khi đó, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) đã tăng 4,19 USD, tương đương 4,7%, lên mức 92,84 USD/thùng, đánh dấu mức tăng 17% trong tuần. Trước đó, giá dầu thô tiêu chuẩn của Mỹ đã giảm 12,5% trong tháng Chín và 24% trong quý thứ ba.

Ed Moya, chuyên gia phân tích tại sàn giao dịch trực tuyến OANDA, cho biết: "OPEC+ đã làm tất cả những gì họ có thể và hiện đang chờ đợi phản ứng từ các nhà lãnh đạo thế giới".

Từ phía nước Mỹ, phản ứng của chính phủ nhiều khả năng sẽ là hạn chế lượng nhiên liệu có thể được xuất khẩu ra khỏi nước Mỹ - trong một nỗ lực nhằm ngăn giá xăng tăng về mức cao kỷ lục được ghi nhận hồi giữa tháng 6 là 5 USD/gallon (tương đương 3,78 lít).

Tính đến ngày 7/10, giá xăng tại các máy bơm ở Mỹ trung bình vào khoảng 3,80 USD/gallon.

OPEC+, nhóm gồm 13 nước thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu với 10 nhà xuất khẩu dầu khác trong đó có Nga, hôm 5/8 đã công bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày, tương đương với 2% sản lượng hàng ngày của toàn cầu, cho đến ngày 23/12/2023 và đây là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất của OPEC kể từ tháng 4/2020 đến nay.

Mặc dù vậy, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thiếu hụt 3,5 triệu thùng/ngày từ mức mục tiêu mà OPEC+ đã công bố trước đó. Ngoài ra, tất cả các nước thành viên OPEC+ cũng nhất trí gia hạn hiệp định hợp tác vốn sẽ hết hạn vào cuối năm 2022 tới hết năm 2023.

Họ cũng nhất trí rằng ủy ban giám sát của nhóm sẽ họp định kỳ hai tháng một lần còn các nước thành viên OPEC+ sẽ họp 6 tháng một lần. Tuy nhiên, OPEC+ lại không đưa ra bất kỳ sự định hướng nào liên quan đến việc sự cắt giảm sẽ đến từ đâu, tức là những quốc gia nào sẽ thực hiện cắt giảm và họ sẽ làm thế nào.

Phil Flynn, một nhà phân tích năng lượng tại hãng cung cấp các dịch vụ tài chính Chicago’s Price Futures Group cho biết bên cạnh quyết định của OPEC+, vẫn còn những lý do khác tác động đến sự phục hồi của giá dầu.

Theo chuyên gia này, "nguồn cung dầu thô hiện thấp hơn 3% so với mức trung bình 5 năm". Ngoài ra, thị trường cũng chờ đợi báo cáo việc làm hàng tháng do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 7/10.

Các nhà tuyển dụng Mỹ đã bổ sung thêm 263.000 việc làm trong tháng 9, cao hơn một chút so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống 3,5% từ mức 3,7% của tháng 8 giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang làm mọi cách để thúc đẩy cuộc chiến chống lạm phát.

Trong khi đó, đồng USD tiếp tục kéo dài chuỗi tăng giá trong ngày thứ ba liên tiếp hôm 7/10, khi thị trường kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ một lần nữa tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp vào tháng 11 tới dựa trên số liệu báo cáo việc làm hàng tháng mới nhất của Bộ Lao động Mỹ.

Đồng bạc xanh mạnh là chỉ báo tiêu cực đối với các loại hàng hóa được định giá bằng đồng USD, bao gồm cả dầu thô, vì sự mạnh lên của đồng tiền này sẽ làm tăng chi phí đối với các nhà giao dịch sử dụng đồng euro và các loại tiền tệ khác.

Với quyết tâm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ, Fed đã tăng lãi suất thêm 300 điểm cơ bản trong năm nay từ mức chỉ 25 điểm cơ bản, đẩy giá trị đồng USD lên mức cao nhất của 20 năm.

* Ngày 8/10, Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Bechu cho biết chính phủ nước này sẽ không hạn chế xăng cung cấp cho người dân hay việc sử dụng dịch vụ tại trạm xăng, để ứng phó với vấn đề nguồn cung liên quan tới cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu của Tập đoàn TotalEnergies.

Trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Bechu khẳng định tình hình hiện nay vẫn chưa đến mức chính phủ phải áp đặt bất kỳ biện pháp nào trên toàn quốc. Ông kêu gọi người dân bình tĩnh và tin tưởng tình hình sẽ hạ nhiệt trong vài ngày tới.

Hoạt động đình công và bảo trì ngoài kế hoạch đã làm giảm 60% công suất lọc dầu tại Pháp (tương đương 740.000 thùng/ngày) khiến nước này phải tăng nhập khẩu trong bối cảnh chi phí tăng do nguồn cung toàn cầu không ổn định.

Các thành viên của nghiệp đoàn CGT làm việc cho TotalEnergies đã tổ chức đình công, chủ yếu vì mâu thuẫn về vấn đề thù lao, qua đó làm gián đoạn hoạt động tại 2 nhà máy lọc dầu và 2 cơ sở trữ dầu. Trong khi đó, 2 nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil cũng gặp những vấn đề tương tự từ ngày 20/9.

Trong bối cảnh cuộc đình công tại các cơ sở của TotalEnergies đã bước sang ngày thứ 11, ước tính khoảng 20% trạm xăng tại Pháp không có đủ nguồn cung như bình thường và nhiều khả năng sẽ phải dùng đến các kho dầu dự trữ chiến lược vào cuối tuần này.

Đại diện của nghiệp đoàn CGT xác nhận tình hình vẫn chưa có tiến triển và đình công vẫn đang diễn ra. CGT sẽ kêu gọi Giám đốc điều hành TotalEnergies Patrick Pouyanne mở các cuộc đàm phán trước thềm các cuộc thương lượng chính thức về lương vào tháng 11 tới, đồng thời khẳng định nghiệp đoàn không từ bỏ bất kỳ yêu cầu nào.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286871/gia-dau-the-gioi-tang-rat-manh-truoc-dong-thai-cua-opec.html