Giá dầu thế giới tăng vọt

Dầu thô tăng giá mạnh sau quyết định gây chấn động của OPEC+. Bất chấp sức ép từ phía Mỹ, nhóm quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, mức lớn nhất kể từ năm 2020.

 OPEC+ quyết định giữ giá dầu ở mức cao. Ảnh: Reuters.

OPEC+ quyết định giữ giá dầu ở mức cao. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 6/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 94 USD/thùng, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 3 tuần qua.

Dầu WTI chuẩn Mỹ cũng được giao dịch ở mức cao nhất trong 3 tuần 88,4 USD/thùng.

"Thị trường dầu được hỗ trợ bởi quyết định của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) và báo cáo của EIA (Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ)", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Oanda bình luận với Zing.

Giá dầu Brent và WTI tăng vọt sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng mạnh tay. Ảnh: Trading Economics.

Giá dầu Brent và WTI tăng vọt sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng mạnh tay. Ảnh: Trading Economics.

Quyết định gây chấn động của OPEC+

Hôm 5/10, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, mức lớn nhất kể từ năm 2020.

"Nhóm quyết định cắt giảm sản lượng do sự bấp bênh của triển vọng thị trường dầu và kinh tế toàn cầu", ông Moya bình luận.

"Đã có rất nhiều đồn đoán về quyết định của OPEC+ trước cuộc họp của nhóm", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao ở London - bình luận với Zing. Ông cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi.

Trước đó, Saudi Arabia đã cảnh báo nhóm có thể cắt giảm sản lượng do giá dầu lao dốc, thị trường liên tục trồi sụt trong nhiều tháng qua.

Giá dầu WTI và Brent đều tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Ảnh: Trading Economics.

Giá dầu WTI và Brent đều tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần. Ảnh: Trading Economics.

"Thêm vào đó, một số nước có thể tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu. Điều này có thể làm giảm đáng kể nguồn cung và đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng", vị chuyên gia cảnh báo.

"Người tiêu dùng chỉ vừa thở phào nhẹ nhõm khi giá xăng dầu lao dốc. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ khiến tình hình thay đổi", ông Erlam nhận định.

Trong khi đó, báo cáo của EIA cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 1,356 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu tuần giảm thứ 2 liên tiếp và là mức giảm lớn nhất trong vòng 5 tuần.

Ảnh hưởng không lớn

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng động thái của OPEC+ sẽ không có tác động quá lớn đến thị trường dầu toàn cầu. Bởi trên thực tế, ngay cả trước quyết định cắt giảm, sản lượng khai thác dầu thô của OPEC đã thấp hơn đáng kể mục tiêu.

"Do đó, bất chấp quyết định của nhóm, giá dầu có thể khó phục hồi về hơn 100 USD/thùng", ông Moya dự báo.

Vào thời điểm giá dầu tăng vọt do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, các nước tiêu thụ dầu lớn, bao gồm Mỹ, liên tục kêu gọi hạ nhiệt giá dầu để hỗ trợ nền kinh tế thế giới, OPEC+ vẫn từ chối nâng sản lượng dầu.

Bất chấp quyết định của nhóm, giá dầu có thể khó phục hồi về hơn 100 USD/thùng

Chuyên gia tài chính Edward Moya

Tuy nhiên, giá dầu vẫn giảm mạnh do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và đà tăng của đồng USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

"Mối đe dọa về một cuộc suy thoái toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Việc các ngân hàng trung ương ồ ạt nâng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại đối với tăng trưởng", ông Craig Erlam nhận định.

"Các ngân hàng trung ương đã chấp nhận rằng một cuộc suy thoái là cái giá phải trả để kìm hãm lạm phát. Và điều này ảnh hưởng tới giá dầu", ông Erlam bình luận.

Ngoài ra, Reuters cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng có thể chọc giận Mỹ. Washing vốn đang kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu hơn nữa, và bào mòn doanh thu của Nga nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Quyết định cắt giảm của OPEC+ có thể khiến Mỹ tiếp tục mở kho dự trữ chiến lược để bình ổn giá cả. Washington cũng có khả năng thúc đẩy dự luật NOPEC, cho phép nhà chức trách Mỹ trừng phạt các nước thao túng giá dầu.

Giới quan sát cũng cảnh báo về tác dụng ngược của động thái từ phía OPEC+. Việc nhóm kiên quyết giữ giá dầu ở mức cao có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái do giá năng lượng quá cao.

Một cuộc suy thoái sẽ phá hủy nhu cầu, từ đó đẩy giá dầu xuống thấp hơn nữa.

Thảo Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dau-the-gioi-tang-vot-post1362503.html