Giá dầu thế giới 'về bờ' khi lo ngại đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran gia tăng
Thị trường dầu thế giới trải qua một tuần đầy biến động, với các phiên tăng giảm đan xen do ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị và các thông tin trái chiều về nguồn cung. Tuy nhiên, phiên cuối tuần ngày 23/5 đã chứng kiến giá dầu tăng nhẹ nhờ lực mua kỹ thuật trước kỳ nghỉ lễ dài ngày tại Mỹ và những tín hiệu không mấy lạc quan về đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của quốc gia Tây Á.

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Chốt phiên 23/5, giá dầu Brent tăng 34 xu Mỹ, tương đương 0,54%, lên 64,78 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 33 xu lên 61,53 USD/thùng.
Đây là phiên phục hồi của thị trường dầu mỏ sau ba ngày liên tiếp giá dầu suy giảm, phản ánh tâm lý phòng thủ của các nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) kéo dài ba ngày ở Mỹ – thời điểm thường đánh dấu sự khởi đầu của mùa cao điểm di chuyển của người dân tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi, trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, cho biết vòng đàm phán thứ 5 giữa hai bên trong ngày 23/5 tại Đại sứ quán Oman ở Rome (Italy) đã kết thúc song chưa đạt đột phá.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi xác nhận các cuộc đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân của Tehran là “phức tạp”. Ông Abbas Araghchi nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán quá phức tạp để có thể giải quyết chỉ trong hai hoặc ba cuộc họp”. Quan chức này cũng cho biết đã có tiềm năng đạt được tiến triển sau khi Oman đưa ra một số đề xuất.
Mỹ thông báo vòng đàm phán hạt nhân lần thứ 5 giữa Mỹ và Iran đã đạt được thêm một số tiến triển. Theo một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ, cuộc đàm phán “mang tính xây dựng”, hai nước đã đạt được thêm tiến triển, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và cả bên đã nhất trí sẽ gặp lại nhau trong tương lai gần.
Trước tình hình trên, theo nhận định của chuyên gia Phil Flynn của công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn Price Futures Group, các cuộc gặp mới giữa hai bên tại Rome (Italy) không mang lại tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khiến thị trường thêm lo ngại khi tuyên bố áp mức thuế 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1/6, khiến nhà đầu tư thêm phần thận trọng về triển vọng nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Trước phiên tăng nhẹ vào cuối tuần, giá dầu có những phiên dao động đáng chú ý. Đầu tuần, ngày 19/5, dầu tăng giá nhờ đàm phán Mỹ-Iran rơi vào bế tắc. Các chuyên gia cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân là rất thấp nếu Mỹ tiếp tục yêu cầu Iran từ bỏ hoàn toàn hoạt động làm giàu uranium. Điều này làm giảm hy vọng dỡ bỏ trừng phạt và cho phép Iran tăng xuất khẩu dầu thêm 300.000–400.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, sáng ngày 20/5 và 21/5, giá dầu giảm trở lại khi có thông tin cho thấy vòng đàm phán mới sẽ được tổ chức vào cuối tuần, làm dấy lên hy vọng về khả năng nối lại xuất khẩu từ Iran. Đồng thời, số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/5, dự trữ xăng tăng 800.000 thùng và sản phẩm chưng cất tăng 600.000 thùng – dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang dồi dào.
Ngày 22/5, giá dầu tiếp tục chịu áp lực hạ sau thông tin từ hãng tin Bloomberg rằng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đang thảo luận về khả năng tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng Bảy. Nếu được thông qua tại cuộc họp diễn ra vào ngày 1/6, liên minh này có thể dỡ bỏ toàn bộ mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày vào cuối tháng Mười. Đây là tín hiệu cho thấy OPEC đang chuyển hướng từ bảo vệ giá sang giành lại thị phần.
Mặc dù khép lại tuần với mức tăng nhẹ, nhưng thị trường dầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro. Một mặt là các yếu tố hỗ trợ giá như tình hình căng thẳng Trung Đông và mùa di chuyển của người dân tại Mỹ sắp bắt đầu. Mặt khác là áp lực từ khả năng tăng sản lượng của OPEC+ và bất ổn kinh tế do các chính sách thuế của Mỹ, cùng với dữ liệu kém tích cực từ Trung Quốc.
Giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát sao kết quả đàm phán Mỹ-Iran, các quyết định tại cuộc họp về sản lượng dầu của OPEC+ vào đầu tháng 6/2025 và diễn biến kinh tế toàn cầu để đánh giá triển vọng cung cầu của thị trường dầu thế giới trong những tuần tới.