Giá dầu thô giảm tuần thứ 3 liên tiếp, kỳ vọng thị trường đã cân bằng và giá sẽ tăng trở lại thời gian tới
Mặc dù bật tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung tuần này giá dầu thô Brent vẫn giảm hơn 5%. Sau đà bán tháo mạnh, thị trường có dấu hiệu dần cân bằng trở lại nhờ dữ liệu tích cực về thị trường lao động tại Hoa Kỳ và kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 5/5, theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent bật tăng 3,9% lên mức 75,30 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng tới 4,1% lên 71,34 USD/thùng, kết thúc mạch giảm giá kéo dài 4 ngày liên tiếp.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent vẫn giảm 5,3% và giá dầu thô WTI giảm 7,1%. Qua đó, xác lập tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp - mạch giảm giá dài nhất kể từ hồi tháng 11/2022.
Trong tuần này, đã có lúc giá dầu thô chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021 khi tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trước việc ngân hàng thương mại lớn thứ 14 Hoa Kỳ - First Repulic Bank phá sản và tin đồn một số ngân hàng khu vực quy mô nhỏ khác tại Hoa Kỳ cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp cũng khiến giới đầu tư lo ngại các rủi ro trên thị trường tài chính dễ lan rộng hơn. Ngoài ra, hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, yếu hơn kỳ vọng cũng phủ bóng đen lên triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.
Điểm sáng duy nhất giúp giá dầu thô bật tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần là thị trường lao động Hoa Kỳ trong tháng 4 vừa qua tiếp tục duy trì tích cực. Cụ thể, Hoa Kỳ ghi nhận thêm 235.000 việc làm mới trong tháng trước, tăng 4,2% so với hồi tháng 3 và cao hơn tới 30% so với con số dự báo của giới phân tích. Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, sự hồi phục mạnh mẽ của một số ngành kinh tế sau 2 tháng trì tệ trước đó là yếu tố chủ chốt giúp thị trường ghi nhận mức tăng việc làm ấn tượng như này.
Việc tạo ra nhiều việc làm cũng đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ giảm từ 3,5% trong tháng 3 xuống còn 3,4% trong tháng 4, mức thấp nhất trong 53 năm qua. Đồng thời, dữ liệu cho thấy mức lương tại Hoa Kỳ vẫn tăng lên đều đặn trong thời gian qua. Điều này mở ra triển vọng tích cực hơn đối với nhu cầu sử dụng nhiên liệu khi thị trường chuẩn bị bước vào mùa Hè - mùa cao điểm di chuyển, du lịch.
Nhận định về diễn biến thị trường, một số chuyên gia phân tích nhận định các yếu tố cơ bản trên thị trường giao ngay hiện đang tốt hơn so với những gì mà thị trường tương lai thể hiện. Đà bàn tháo trên thị trường dầu thô vừa qua chủ yếu là do lo ngại về nhu cầu sử dụng dầu thô trong tương lai có thể giảm xuống do rủi ro suy thoái tăng lên trong bối cảnh FED tăng lãi suất cũng như tâm lý lo ngại khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sẽ tác động dây chuyền đến toàn nền kinh tế.
Chuyên gia phân tích thị trường Stephen Brennock từ hãng môi giới giao dịch dầu thô PVM (Anh) nhận định giá dầu thô trên thị trường tương lai hiện chưa phản ánh chính xác với tình trạng cung - cầu dầu thô trên thị trường.
Tập đoàn tài chính Commerzbank cũng nhận định các lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu sử dụng dầu thô đã bị phóng đại quá mức trong những phiên giao dịch vừa qua và dự báo giá dầu thô có thể tăng trở lại trong những tuần tới.
Thị trường hiện cũng kỳ vọng liên minh OPEC+ có thể sẽ tiếp tục giảm thêm sản lượng khai thác trong tháng 6 nhằm hỗ trợ giá dầu thô. Theo tính toán của IMF, Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất OPEC+ cần giá dầu thô ở mức 80,90 USD/thùng để cân bằng ngân sách năm nay.
Dữ liệu cho thấy số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này đã giảm thêm 3 giàn xuống còn 588 giàn khoan. Điều này cho thấy sản lượng khai thác dầu tại nước này sẽ giảm xuống trong thời gian tới.