Giá dầu tiếp tục lên đỉnh sau khi Iran tấn công Mỹ

Giá dầu thô Brent đã cán mốc 71,75 USD/thùng vào sáng 8/1, sau khi Iran phóng tên lửa tấn công Mỹ tại Iraq.

Vào sáng 8/1, Iran nã 2 tên lửa tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq nhằm trả thù vụ Mỹ không kích sát hại nhà tư lệnh Soleimani. Theo đó, thị trường thế giới trong phiên giao dịch đầu ngày đã chứng kiến những biến động đáng kể.

Bloomberg cho biết giá vàng đã dựng đứng ở mức 1.600 USD/ounce vào sáng sớm 8/1 theo giờ Baghdad. Vàng thỏi giao ngay tăng 2,4% lên 1.611,42 USD/ounce - mức cao nhất kể từ năm 2013.

Ngược lại, căng thẳng tại Trung Đông đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo trong những ngày vừa qua. Sau động thái trả thù của Iran, Bloomberg ghi nhận chỉ số S&P 500 giảm hơn 1,5%, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm 10 điểm xuống còn 1,72%. Con số này đối với thị trường Australia lần lượt là 1,13% và giảm 9 điểm.

Trong khi dòng chảy diễn biến giữa Mỹ và Iran đang làm chao đảo thế giới, dầu mỏ được xem là một trong những mối lo chính.

 Dầu mỏ tăng giá dấy lên nguy cơ lạm phát. Ảnh: Arabian Business.

Dầu mỏ tăng giá dấy lên nguy cơ lạm phát. Ảnh: Arabian Business.

Hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu thô từ Vịnh Ba Tư, bao gồm các chuyến hàng từ Ả Rập Saudi, Iran và Iraq, đều đi qua eo biển Hormuz - được xem là “nút cổ chai của thế giới”, tuyến đường mà Iran đã nhiều lần đe dọa sẽ đóng cửa nếu xảy ra chiến tranh. Kịch bản “ăn miếng trả miếng” của Iran khi đóng eo biển Hormuz cũng đã được giới phân tích đưa ra như biện pháp trả thù Mỹ.

Theo Bloomberg, giá dầu thô Brent đã tăng lên mức 71,75 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures Europe vào lúc 11h24 tại Singapore, trong khi con số trước đó là 69,20 USD/thùng vào phiên giao dịch hôm 3/1.

Dầu thô WTI cũng tăng 4,7%, lên 65,65 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York, sau đó rút về mức 63,47 USD/thùng.

Giờ đây, giá dầu tăng đang là nỗi ác mộng không chỉ đối với người tiêu dùng, mà còn bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế bởi nguy cơ lạm phát. Việc dầu mỏ liên tục tăng giá trước những khó khăn về nguồn cung sẽ là gánh nặng lớn cho các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, việc Iran đóng cửa Eo biển Hormuz để đe dọa Mỹ sẽ không phải là vấn đề quá lớn khi OPEC đang nắm giữ một lượng lớn dầu mỏ dự phòng sau khi giảm nguồn cung trong suốt 3 năm qua. Ngoài ra, Mỹ có nguồn dầu đá phiến khá dồi dào và tuyên bố là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới; Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ khi nắm giữ lượng dầu dự trữ lớn.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/gia-dau-tiep-tuc-len-dinh-sau-khi-iran-tan-cong-my-post1033876.html