Giá dầu tuần qua và dự báo giá dầu tuần này
Giá Brent (tháng 11) trong tuần giao dịch từ 24 - 28/8 biến động trong biên độ 44,88 - 46,46 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức 45,87 USD/thùng (tăng 1,8%/tuần).
Mở cửa tuần giao dịch ngày 24/8, Brent tăng hơn 1,7% lấy lại mốc 45 USD/thùng sau khi giảm xuống 44,3 USD/thùng vào cuối tuần trước. Động lực chính giúp giá dầu tăng trở lại là hai cơn bão tiến đến nước Mỹ cùng một lúc, trong đó bão Laura mạnh cấp 4-5, ngang với siêu bão Katrina năm 2005 đổ bộ vào trung tâm dầu khí Mỹ - bang Texas và Louisiana. Hoạt động dầu khí - chế biến phải tạm dừng 84% khai thác (1,6 triệu bpd) và trên 2,9 triệu bpd công suất lọc dầu trên đường bão đi qua.
Ngày 25/8, Brent tiếp tục tăng gần 2% lên 46,5 USD/thùng - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 trước khi giá dầu thế giới rơi tự do bởi Nga và KSA không đạt được đồng thuận gia hạn OPEC+; yếu tố thời tiết buộc cắt giảm sản lượng khai thác tương đương bão Katrina (90%); đại diện thương mại Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đối thoại, trong đó nêu rõ tiến độ thực hiện nghĩa vụ giai đoạn 1 của Trung Quốc. Hai bên tái khẳng định thực hiện đầy đủ cam kết, mặc dù Trung Quốc chậm tiến độ, nhưng đang có những nỗ lực nhất định, bao gồm tăng nhập khẩu dầu thô Mỹ trong quý 3-4 và thay thế đậu tương Brazil bằng đậu tương Mỹ.
Ngày 26/8, Brent dao động trong biên độ hẹp, quanh mốc 46,2 - 46,4 USD/thùng, chờ đợi thông tin về thiệt hại do bão Laura gây ra, giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin tích cực của API - trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua tiếp tục giảm mạnh 4,6 triệu thùng, xăng giảm 6,4 triệu thùng.
Hai ngày giao dịch cuối tuần 27 - 28/8, Brent có lúc giảm trên 2% xuống 45,27 USD/thùng do ảnh hưởng của bão Laura đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô (nhà máy lọc dầu đóng cửa), mức độ tàn phá cơ sở khai thác không cao như dự báo, sản xuất có thể nối lại nhanh chóng. Mặt khác, chủ tịch FED tái khẳng định duy trì chính sách lãi suất cơ bản thấp và tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong trung hạn đã hỗ trợ thị trường chứng khoán và hàng hóa tăng, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã phục hồi trở lại so với trước khủng hoảng Covid-19. Thị trường tạm thời đang phớt lờ các yếu tố tiêu cực như: dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, làn sóng thứ 2 đang bùng phát tại châu Âu, châu Á, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu không rõ ràng. Ngoài dự báo lạc quan của Saudi Aramco, cả ba tổ chức năng lượng IEA, OPEC, EIA trong báo cáo tháng 8 đều nhận định nhu cầu sẽ không phục hồi lại mức 2019 trước năm 2022.
Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 43 - 47 USD/thùng.