Giá dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài bảo hiểm y tế theo Thông tư 21: Sớm áp dụng để gỡ khó cho các cơ sở y tế

Ngày 17/11/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 21 quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, nhưng đến nay giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh vẫn áp dụng theo quy định từ năm 2019 và bộc lộ nhiều bất cập.

Cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng sử dụng buồng ô xy cao áp điều trị cho bệnh nhân

Cán bộ Bệnh viện Phục hồi chức năng sử dụng buồng ô xy cao áp điều trị cho bệnh nhân

Theo Thông tư số 21, mức giá mới được xây dựng trên cơ sở mức lương tối thiểu là 1,8 triệu đồng, tăng bình quân 3,9% so với mức giá đang thực hiện. Trong danh mục dịch vụ được điều chỉnh, giá dịch vụ không thay đổi là 10 dịch vụ; giá dịch vụ tăng dưới 1% là 91 dịch vụ; giá dịch vụ tăng từ 1 đến dưới 5% là 1.391 dịch vụ; giá dịch vụ tăng từ 5% đến dưới 10% là 427 dịch vụ; giá dịch vụ tăng từ 10% đến dưới 15% là 31 dịch vụ.

Chậm áp dụng giá thu mới

Hiện nay, Lạng Sơn đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 94,2% tổng dân số, còn 5,8% dân số chưa có thẻ BHYT, tương đương với khoảng 46.000. Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, trong giai đoạn 2020 - 2023, thu khám, chữa bệnh đối với đối tượng không có BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập là gần 430 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng số thu.

Mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng nguồn thu này có được ngay sau khi kết thúc quá trình cung cấp dịch vụ y tế và là nguồn thu “nóng” giúp các cơ sở y tế sử dụng để chi trả chi phí trực tiếp (thuốc, vật tư y tế, điện, nước...) và lương, phụ cấp cho người lao động theo quy định.

Đến thời điểm hiện tại, Thông tư 21 đã được ban hành nửa năm nhưng tại Lạng Sơn vẫn chưa áp dụng mức thu mới theo hướng dẫn đối với người chưa tham gia BHYT. Thay vào đó, các cơ sở y tế vẫn thu theo mức giá cũ quy định tại Nghị quyết 15/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh. Điều này dẫn đến những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, mức thu chưa tăng nhưng từ 1/7/2023, các cơ sở y tế đã phải chi trả các chế độ lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở mới là 1,8 triệu/tháng. Điều này khiến các cơ sở khám bệnh phải sử dụng các nguồn kinh phí khác để bù đắp khoản chi tăng. Ông Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế Đình Lập cho biết: Trong giai đoạn 2020 - 2023, trung tâm thu được gần 6,8 tỷ đồng từ khám chữa bệnh do người dân tự chi trả. Thực hiện công tác tự chủ, số kinh phí này cũng được trung tâm sử dụng chi phí trực tiếp và trả lương, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quy định. Mức lương cơ sở tăng, tiền lương và các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp cũng tăng, nhưng mức giá dịch vụ y tế vẫn chưa thay đổi, do đó việc thực hiện tự chủ tài chính theo lộ trình gặp nhiều khó khăn, việc nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người bệnh cũng bị ảnh hưởng.

Tượng tự, giai đoạn 2020 - 2023, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn thu được hơn 17 tỷ đồng từ dịch vụ khám, chữa bệnh do người dân chi trả. Nguồn thu không tăng trong khi đơn vị phải tăng chi với mức bình quân khoảng 3,7%/năm để đảm bảo tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng... Ông Đặng Minh Kim, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Trước thực trạng như trên, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định mới của Thông tư 21 là hết sức cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

Đó cũng là mong muốn chung của các cơ sở y tế công lập trong tỉnh. Việc kịp thời điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định mới của Bộ Y tế sẽ góp phần tháo gỡ "nút thắt" cho các bệnh viện đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên, khuyến khích các bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, con người... từ đó chủ động về nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và chất lượng nhân lực.

Đến nay, toàn quốc đã có nhiều tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT nhưng không phải là dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu như: Phú Thọ, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Sơn La... và các địa phương này đều áp dụng giá tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BYT.

Sớm cụ thể hóa Thông tư 21

Việc chậm áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 21 do nhiều nguyên nhân khách quan, đến nay cả nước mới có một số tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện.

Để áp giá dịch vụ theo quy định mới này thì phải được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. Để ban hành được nghị quyết thì trước đó, cơ quan liên quan phải thực hiện các bước: xây dựng dự thảo nghị quyết; đánh giá tác động của chính sách; lấy ý kiến đối với dự thảo nghị quyết; thẩm định dự thảo nghị quyết; trình UBND xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết; thẩm tra dự thảo nghị quyết...

Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Do giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 21 có nhiều thay đổi so với quy định trước và có xu hướng tăng, nên để đảm bảo chính xác, ngay từ cuối năm 2023, Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng từng danh mục dịch vụ để tính toán, tham mưu với mức giá hợp lý, chuẩn xác nhất. Từ đó từng bước thực hiện quy trình soạn thảo dự thảo nghị quyết tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thanh toán BHYT nhưng không phải là đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Lạng Sơn quản lý.

Sau nhiều lần lấy ý kiến, điều chỉnh, bổ sung, tháng 4 vừa qua, Sở Y tế đã hoàn thiện dự thảo. Theo đó, mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT được đề xuất bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 21/2023/TT-BYT.

Trong quá trình chờ nghị quyết ban hành, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tiếp tục nghiên cứu, quản lý và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực theo hướng tăng thu và tiết kiệm chi, chủ động xây dựng phương án sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao y đức và chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ...

Ông Nguyễn Văn Hợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn bộc bạch: Qua thông tin trên báo chí, tôi nắm được là giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT có tăng nhưng tăng không nhiều so với mức cũ. Khi tăng giá dịch vụ sẽ góp phần giúp các bệnh viện có thêm kinh phí để trang trải, cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh và người dân được thụ hưởng những điều kiện tốt hơn khi đi khám và điều trị, do đó tôi hoàn toàn ủng hộ quy định này.

Khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý giúp các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đảm bảo triển khai kịp thời, thống nhất với mức giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT đảm bảo nguồn tài chính cho các đơn vị. Cùng với đó khi quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới được ban hành, áp dụng vào thực tế thì các cơ sở y tế trên địa bàn cùng với việc triển khai thực hiện sẽ có thêm điều kiện thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, phát triển thêm nhiều kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/gia-dich-vu-kham-chua-benh-ngoai-bao-hiem-y-te-theo-thong-tu-21-som-ap-dung-de-go-kho-cho-cac-co-so--5010056.html