Giá điện bình quân sẽ tăng?
Theo quy hoạch, giá điện bình quân sẽ tăng dần từ mức 7,9 US cent/KWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 US cent/KWh
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Ðề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Ðiện VIII).
Giá điện Việt Nam tương đối thấp
Tại tờ trình, Bộ Công Thương kiến nghị phê duyệt Quy hoạch Ðiện VIII với cơ cấu nguồn điện tới năm 2030 có tổng công suất nguồn khoảng 121.495 - 146.430 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Trong đó, thủy điện chiếm 19,77% - 22,07%; nhiệt điện than 25,18% - 30,37%; nhiệt điện khí 24,49% - 26,52%...
Bộ Công Thương cũng đề nghị cho phép tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW để tránh rủi ro về pháp lý, tránh xảy ra khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư như đã báo cáo chi tiết trong tờ trình. Ðồng thời, loại bỏ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW ra khỏi quy hoạch trong giai đoạn 2021 - 2030 và để xem xét trong giai đoạn 2031 - 2045.
Quy hoạch Ðiện VIII xác định không phát triển thêm nhà máy điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện. Các nguồn nhiệt điện than chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối, amoniac khi công nghệ đã được chứng thực.
Theo Quy hoạch Ðiện VIII, giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 US cent/kWh vào năm 2020 lên 8,4 - 9,4 US cent/KWh (khoảng 1.982 - 2.219 đồng/KWh) vào năm 2030. So với phương án phụ tải cơ sở, giá điện bình quân sẽ cao hơn 10% vào năm 2030. Giai đoạn 2031 - 2050, ước tính giá điện bình quân tăng trong khoảng 10,8 - 11,4 US cent/KWh. Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân vẫn được áp dụng theo mức từ năm 2019 là 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), tăng 8,36% so với trước đó (1.720,65 đồng/KWh).
TS Nguyễn Thành Sơn, chuyên gia năng lượng, cho rằng cần làm rõ các tiêu chí để cơ quan xây dựng quy hoạch đưa ra mức tăng giá điện như trên. Ông Sơn cũng nhấn mạnh cần xác định rõ cơ cấu nguồn điện than, thủy điện, điện khí, điện mặt trời, điện gió để có kịch bản giá bình quân phù hợp. Cơ cấu nguồn thay đổi thì giá điện cũng thay đổi bởi việc huy động nguồn khác nhau. Cần tính toán với mức tăng đó trong giai đoạn tới thì nền kinh tế chịu đựng được không, mục đích làm quy hoạch là phải lường hết được các kịch bản về giá, không thể đưa ra chung chung.
Bộ Công Thương cho rằng so với các nước, giá điện của Việt Nam tương đối thấp (bình quân khoảng 7,9 US cent/KWh). Vào năm 2030, giá điện dự kiến 8,4 - 9,4 US cent/KWh thì vẫn thấp hơn giá hiện tại của Indonesia và Thái Lan.
Băn khoăn về nhu cầu vốn
Theo dự thảo của Bộ Công Thương, nhu cầu tài chính cho triển khai quy hoạch là rất lớn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 106,3 - 143,8 tỉ USD. Trong đó, đầu tư phát triển cho nguồn điện khoảng 90,6 - 127,8 tỉ USD (trung bình mỗi năm 9,1 - 12,8 tỉ USD), cho lưới điện truyền tải khoảng 15,3 - 15,9 tỉ USD (mỗi năm khoảng 1,5 - 1,6 tỉ USD).
TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng nhu cầu vốn cho quy hoạch sẽ rất lớn. Tuy nhiên, với quy hoạch này, cần tối ưu hóa cơ cấu của ngành, cơ cấu giữa nguồn và lưới. Trên cơ sở đó sẽ dự báo được con số vốn đầu tư thực sự.
Trong góp ý về Quy hoạch Ðiện VIII, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cũng kiến nghị Chính phủ nên đưa ra chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do nhà nước quản lý để bảo đảm an ninh hệ thống điện.
Nhìn vào tổng nhu cầu vốn này, một chuyên gia năng lượng cũng lo ngại về tính khả thi khi triển khai quy hoạch. Nếu trông cả vào Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) thì rất khó, trong khi các cơ chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư cho phát triển nguồn cũng như lưới điện chưa rõ ràng.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp đủ vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào ngành điện cần trung bình 13 tỉ USD/năm cho giai đoạn 2021 - 2030. EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế về thu xếp vốn và bảo lãnh vốn vay cho EVN và các tập đoàn kinh tế nhà nước để đầu tư các dự án nguồn, lưới điện trọng điểm theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; cho EVN được trực tiếp vay vốn nước ngoài theo phương thức tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ theo đúng các điều kiện cam kết trong các thỏa thuận vay, không giới hạn giá trị khoản vay ở mức dự án nhóm B…
Dự thảo Quy hoạch Ðiện VIII đã dự báo nhu cầu phụ tải được tính toán theo 3 kịch bản: Kịch bản thấp (tăng 8,43%/năm giai đoạn 2021-2025, tăng 7,14%/năm giai đoạn 2026-2030), kịch bản cơ sở (tăng 9,09%/năm giai đoạn 2021-2025, tăng 7,95% giai đoạn 2026-2030) và kịch bản cao (tăng 9,84%/năm giai đoạn 2021-2025, tăng 8,88%/năm giai đoạn 2026-2030). Ba kịch bản này tương ứng với 3 kịch bản tăng trưởng GDP theo từng giai đoạn.
Giá điện năng lượng tái tạo sẽ giảm nhanh
Theo tờ trình của Bộ Công Thương, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, giá điện gió, điện mặt trời đang giảm nhanh và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Dự báo giá điện gió trên bờ giảm từ 7,74 US cent/KWh giai đoạn trước năm 2025 còn 6,35 US cent/KWh trước năm 2030 và 5,72 US cent/KWh sau năm 2040. Giá điện gió ngoài khơi có thể giảm từ 11 US cent/KWh hiện nay còn 9 US cent/KWh trước năm 2030 và 6 US cent/KWh sau năm 2040. Giá điện mặt trời có thể giảm còn 5-6 US cent/KWh trước năm 2030 và 4,8 US cent/KWh sau năm 2040. Thậm chí, một số dự báo cho thấy các loại hình năng lượng tái tạo có thể giảm nhanh hơn nữa.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/gia-dien-binh-quan-se-tang-20220928225039949.htm