Giá điện tăng: Người thuê trọ lo chủ nhà 'té nước theo mưa'

Từ ngày 10/5/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 4,8%. Nhiều người thuê trọ, đặc biệt là người chưa ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với công ty điện lực, lo tiền điện thời gian tới sẽ 'đội thêm'.

 Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành. Ảnh: VGP

Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hóa đơn tiền điện hàng tháng do Công ty Điện lực phát hành. Ảnh: VGP

Người thuê trọ đang phải trả tiền điện cao hơn giá quy định

Chị Mai Anh, trọ tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết với mỗi kWh điện, người thuê trọ như chị đang phải trả 5.000 đồng. "Điện lực chưa tăng giá, chủ nhà trọ đã dọa tăng giá", chị Mai Anh kể.

Theo quy định, người thuê nhà được quyền ký hợp đồng với công ty điện lực nhưng mọi thứ liên quan đến hạ tầng, mạng điện của căn hộ cũng như mạng điện chung của khu trọ nên việc này không thể thực hiện được. Chưa kể chủ nhà trọ dù không nói thẳng là cấm nhưng cũng chưa bao giờ tỏ ra ủng hộ phương án này.

"Trời bắt đầu vào mùa nóng, đêm không bật điều hòa thì không sao ngủ được. Mặc dù chúng tôi đã rất tiết kiệm nhưng tiền điện vẫn vượt mức 1 triệu đồng/tháng. Không biết tới đây còn tăng lên bao nhiêu?", chị Mai Anh than thở.

Từ năm 2023 đến nay, EVN đã 4 lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng hơn 17%. EVN tính toán, mỗi hộ gia đình sinh hoạt sẽ phải trả thêm từ 4.350 đồng đến 62.150 đồng/tháng.

Giá tăng, người dùng phải bỏ thêm tiền cho mỗi kWh điện, và với cách tính giá tiền điện hiện tại, dùng càng nhiều giá càng cao, có thể lên tới 3.460 đồng/kWh. Đặc biệt, với những người thuê trọ chưa ký được hợp đồng mua bán điện trực tiếp với công ty điện lực, mức tác động có thể lớn hơn.

Thực tế, mức giá người thuê trọ phải trả cho chủ nhà từ lâu đã là 4.000 - 5.000 đồng/kWh. Đa số các chủ nhà dùng nhiều lý do khác nhau để... ngăn cản người thuê nhà ký hợp đồng trực tiếp với công ty điện lực.

Biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 của Bộ Công Thương

Biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo Quyết định số 1279/QĐ-BCT ngày 9/5/2025 của Bộ Công Thương

Với khách hàng sản xuất, EVN cho biết, cả nước có khoảng 1,98 triệu khách hàng. Sau điều chỉnh giá, mỗi khách hàng sẽ trả thêm trung bình là 677.000 đồng/tháng.

Không chỉ hộ dân, doanh nghiệp cũng đang phải tính toán lại chi phí. Hợp tác xã sản xuất mì gạo thanh long ở Vĩnh Phúc, vốn tiêu thụ khoảng 10 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, giờ đây ước tính sẽ phải chi thêm gần 500.000 đồng. Với các doanh nghiệp lớn như nhà máy thép ở Đồng Nai, chi phí có thể đội lên hàng chục triệu đồng.

Cần lộ trình phù hợp và minh bạch khi tăng giá điện

Các chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình với việc tăng giá điện của EVN nhưng cho rằng cần minh bạch và nên kéo dài lộ trình thay vì 3 tháng tăng một lần.

"Việc tăng giá điện sẽ tác động tới CPI 0,09% như tính toán của EVN là tương đối sát. Nhu cầu điện của chúng ta rất lớn và nguy cơ thiếu điện có thể diễn ra. Vì thế, việc tăng giá điện là cần thiết và gửi một tín hiệu để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện.

Tuy nhiên, vẫn cần phải kéo dài lộ trình chứ không nhất thiết 3 tháng tăng một lần", TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nói.

Ảnh minh họa: EVN

Ảnh minh họa: EVN

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo, nguồn điện than nhập khẩu hay nguồn điện nhập có giá không rẻ.

"Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải có lộ trình hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc tăng giá điện phải minh bạch về thông tin, phải tính đúng, tính đủ, phải công khai các khoản thu, chi, lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực. Không thể khi được phép tăng dưới 5% theo quy định thì tăng triệt để, mà khi được giao quyền tự chủ thì phải công khai hơn, có kế hoạch tăng giá hợp lý", ông Phú nói.

Dẫn ví dụ về tăng giá điện ở một số nước, ông Phú cho biết: "Ở Ba Lan, Đức, họ có kế hoạch tăng giá điện trong 5 năm, năm nay tăng 0,1%, năm sau tăng 0,3%… Họ có kế hoạch dài như vậy là để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, người dân hoạch định trước kế hoạch tiêu dùng… ", ông Phú nói.

Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May 10, cho rằng, tăng giá điện là tất yếu và xã hội, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với ngành điện.

"Tuy nhiên, việc tăng giá điện cần đảm bảo bắt kịp với xu thế chung của các ngành công nghiệp, nhất là những ngành chịu tác động bởi hàng loạt chính sách từ bên ngoài. Vì thế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và EVN cần tính toán cho phù hợp và có thời gian tính toán dài ra.

Nếu cứ 3 tháng tăng giá một lần sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, vì họ sẽ không thể chủ động tính toán giá thành cho một sản phẩm để đưa vào chi phí. Khi tính toán, đàm phán giá với đối tác thì phải mang tính ổn định và chủ động. Nếu cứ tăng với thời gian quá ngắn như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp", ông Giang nói.

Theo ông Vũ Đức Giang, nếu tính cả lần tăng giá điện này, trong vòng 3 năm trở lại đây, giá điện đã tăng tổng cộng 17%.

"Với ngành dệt, nhuộm, chi phí đầu vào của điện chiếm từ 9% đến 12% giá thành sản phẩm. Còn với ngành may, điện chiếm hơn 1,8%. Vì thế, việc tăng giá điện sẽ góp phần tăng giá thành hàng hóa, trong khi hàng Việt Nam vốn đã yếu thế so với các nước khác về công nghệ và nguồn nhân lực", ông Giang nói.

Để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị Nhà nước giãn thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo ông, hệ thống tài chính ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp ít chịu áp lực về tài chính.

Còn ông Vũ Vinh Phú cho rằng, việc tăng giá điện sẽ tác động toàn diện đến đời sống, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp, nhất là người nghèo. Với người nghèo, mức tăng giá điện như hiện tại, mỗi tháng hóa đơn tiền điện của họ sẽ tăng khoảng vài chục nghìn đồng.

Với doanh nghiệp, việc tăng giá điện sẽ nâng giá thành sản phẩm, từ đó giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cả trong nước và xuất khẩu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, thực tế việc tăng giá điện là hoạt động bình thường của ngành điện để cân đối giữa đầu vào và đầu ra. Hiện nay, giá điện hơi thấp, nên cũng gây khó khăn cho hoạt động của EVN, trong khi ngành điện đang là ngành xương sống.

"Nếu EVN không đủ nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng, nâng cấp công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật thì ngành điện sẽ lạc hậu so với khu vực và thế giới, từ đó gây ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cho nên, tôi ủng hộ việc tăng giá điện", ông Huân nêu quan điểm và cho rằng, trong quá trình phát triển, kinh tế Việt Nam đi lên thì giá điện cũng phải thay đổi ngang bằng với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, việc tăng giá điện cần có lộ trình cụ thể và phải thông báo cho người dân, doanh nghiệp, hộ tiêu thụ biết trước đó.

Theo tính toán của Cục thống kê, việc tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% sẽ tác động trực tiếp lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025 khoảng 0,09%.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, việc tăng giá điện phải đi kèm với những chính sách hỗ trợ hộ nghèo không có đủ khả năng chi trả, theo đúng chủ trương, quan điểm "không để ai bỏ lại phía sau" của Đảng, Nhà nước.

Đối với sản xuất công nghiệp, giá điện Việt Nam so với các nước không cao. Quan điểm của chúng ta chuyển dịch cơ cấu để phát triển kinh tế không dựa vào nhân công giá rẻ và thâm dụng điện năng.

"Nếu chúng ta không nâng giá điện thì có thể một bộ phận người dân được hưởng lợi nhưng ngược lại, cả nền kinh tế bị thiệt hại. Thậm chí, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam và tận dụng giá rẻ, không chịu cải tiến công nghệ, đưa công nghệ lạc hậu vào", ông Huân nhận định.

Theo ông Huân, giá điện không cần tăng quá cao nhưng cũng phải ngang bằng với các nước trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách, các nhà kinh tế nên có một nghiên cứu bài bản trình Chính phủ ra quyết định hợp lý, cân đối chi phí đầu vào, đầu ra cho doanh nghiệp và đảm bảo người dân có thể chi trả được, Nhà nước không bị thiệt và EVN có tiền để phát triển, đầu tư.

Giá điện tăng nhưng không ảnh hưởng đến hộ nghèo, hộ chính sách xã hội

Tại cuộc họp báo trao đổi thông tin liên quan đến công tác điều hành đảm bảo điện vào chiều 9/5/2025, đại diện EVN khẳng định, về cơ bản việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-dien-tang-nguoi-thue-tro-lo-chu-nha-te-nuoc-theo-mua-20250521134036304.htm