Nắng nóng diện rộng, mưa lớn vượt lịch sử và rủi ro thiên tai trong tháng tới
Theo chuyên gia, dự báo trong tháng tới, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm tiếp tục có khả năng gia tăng, gây tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Những dấu hiệu bất thường của thiên tai từ đầu tháng 5
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, thời tiết trên khắp Việt Nam trong tháng vừa qua đã ghi nhận nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan, từ các đợt nắng nóng gay gắt đến mưa lớn vượt giá trị lịch sử, kèm theo dông, lốc, sét và mưa đá xuất hiện ở nhiều nơi.
Dự báo trong tháng tới, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm tiếp tục có khả năng gia tăng, gây tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ 21/4 đến 20/5/2025, Việt Nam đã trải qua hai đợt không khí lạnh (vào các ngày 28/4 và 10/5), trong đó đợt ngày 10/5 gây gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8 trên Vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và mưa đá xuất hiện ở hầu hết các vùng miền, gây thiệt hại cục bộ.

Mưa lớn gây ngập ở Chương Mỹ (Hà Nội) năm 2024.
Các đợt mưa diện rộng tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ, với những trận mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to. Đặc biệt, trong đợt mưa từ 15–20/5, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa lớn như Bắc Quang (Hà Giang) 180 mm, Ngân Sơn (Bắc Kạn) 159 mm, và Tam Đường (Lai Châu) 139 mm. Một số trạm còn ghi nhận lượng mưa cao nhất vượt giá trị lịch sử, như Trị An (Đồng Nai) với 145,3 mm ngày 10/5 – vượt mức ghi nhận từ năm 1986.
Tại Trung Bộ, mưa rào và dông xuất hiện thành ba đợt rõ rệt, trong khi khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ ghi nhận lượng mưa tăng mạnh từ đầu tháng 5. Tình trạng mưa dông, sét đi kèm mưa đá khiến nhiều địa phương chịu thiệt hại về cây trồng và cơ sở vật chất.
Theo chuyên gia, một trong những điểm nhấn đáng lo ngại là các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài tại Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, nắng nóng xảy ra nhiều đợt trên diện rộng. Tại Nghệ An, ngày 7–9/5, nhiệt độ tại Quỳ Châu lên tới 41 độ C, Tương Dương đạt 41,2 độ C – những con số báo động về mức nhiệt kỷ lục.
Tại miền Đông Nam Bộ, nắng nóng kéo dài nhiều ngày, đặc biệt trong các giai đoạn 21/4–3/5 và 11–16/5, với nhiệt độ phổ biến 35–37 độ C, có nơi vượt 37 độ C. Thời tiết khô hạn không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và thiếu nước nghiêm trọng.
Theo đánh giá chung, nhiệt độ trung bình tại hầu hết khu vực cả nước trong tháng qua cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5–1,5 độ C. Trong khi đó, tổng lượng mưa nhiều nơi cũng vượt TBNN từ 20–50%, đặc biệt vùng núi phía Bắc có nơi cao hơn 150%. Ngược lại, khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên lại có lượng mưa thấp hơn đáng kể, thiếu hụt 20–50% so với TBNN.
Nắng nóng tiếp diễn, đề phòng mưa lớn
Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, dự báo cho giai đoạn 21/5–20/6/2025, cơ quan khí tượng nhận định nhiệt độ trung bình trên toàn quốc sẽ ở mức xấp xỉ TBNN. Riêng khu vực Tây Bắc Bộ sẽ cao hơn 0,5–1°C so với mức trung bình.
Về lượng mưa, dự báo cho thấy sự phân hóa rõ rệt: các khu vực vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng cao hơn từ 10–25% so với TBNN; trong khi Trung và Nam Trung Bộ lại thiếu hụt từ 5–20%.
Đặc biệt, dự báo cảnh báo nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ, với khả năng cường độ tăng mạnh trong tháng 6. Đồng thời, gió mùa Tây Nam sẽ duy trì hoạt động mạnh mẽ, tiếp tục gây mưa rào và dông tại Tây Nguyên và Nam Bộ.
Bên cạnh đó, khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) trên Biển Đông trong thời kỳ dự báo là xấp xỉ trung bình nhiều năm – tức khoảng một cơn, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây gió mạnh, sóng lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng hải.
Theo cơ quan khí tượng, trong thời gian tới, cả nước cần đặc biệt cảnh giác với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Những hiện tượng này không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn ảnh hưởng đến an toàn tính mạng người dân, đặc biệt ở các vùng núi và nông thôn.
Mưa lớn cũng có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các vùng trũng thấp. Trong khi đó, nắng nóng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất – đặc biệt tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.
Hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, giao thông và điện lực có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân được khuyến cáo chủ động phòng chống, cập nhật bản tin dự báo và cảnh báo kịp thời từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các cơ quan chức năng địa phương.
Theo cơ quan khí tượng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc tăng cường cảnh báo sớm, chủ động ứng phó và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ môi trường sống.