Gia đình 7 người kêu cứu vì chủ đất liền kề 'phong tỏa' đường đi
Đất của những hộ dân xung quanh đã bán, đường đi có từ ngày xưa bị chủ mới chắn hàng rào, trước mặt là rạch nước, phía sau là ruộng, muốn đi đâu, gia đình 7 người của ông Trần Văn Út chỉ còn cách dùng xuồng, bất tiện vô cùng.
Để dành lại con đường đi do các hộ dân cùng tạo lập nên gần nửa thế kỷ trước, ông Trần Văn Út (63 tuổi) ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long quyết định khởi kiện chủ đất mới sau lần hòa giải bất thành, TAND huyện Long Hồ đã thụ lý hồ sơ.
Theo trình bày của ông Út, ông và 4 người anh chị em ruột có phần đất rộng hơn 1,2 ha từ trước năm 1975. Trong khu đất này có các loại đất như đất lúa, cây lâu năm, thổ cư. Hai bên nhà ông lúc trước là đất có các hộ dân khác sinh sống và cùng nhau đắp một lối đi cặp con rạch trước nhà, chiều ngang 2m, chiều dài từ lối đi công cộng đến nhà ông khoảng 70m.
“Phần đất này đã được các hộ dân sống cặp con rạch này dùng làm đường đi từ gần 50 năm qua, trước khi nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, ông Út trình bày.
Những năm gần đây, ông Trương Hoàng Hảo, ngụ cùng địa phương đến mua hết đất bao quanh phần đất của ông Út. Tháng 4.2022 ông Hảo dùng lưới rào chắn, đắp bùn lên cao ngay lối đi dẫn vào nhà ông Út, không để gia đình ông sử dụng lối đi này.
Không còn cách nào khác, gia đình ông Út buộc phải bơi xuồng từ con rạch trước nhà dài gần 100m đến nơi gửi xe máy nếu muốn đi đâu. “Hai đứa cháu nội của tôi, đứa học cấp 1, đứa cấp 2, mỗi ngày các thành viên trong nhà tới giờ phải bơi xuồng đưa đi, đón về, cuộc sống xáo trộn. Những lúc nước lên rất nguy hiểm cho mấy đứa nhỏ”, ông Út nói.
“Ông Hảo có đến gặp gia đình tôi và đặt vấn đề mua đất, nhưng tôi đâu thể quyết định. Đây là đất của ông bà để lại, trên tôi còn có các anh chị ở xa. Mà với giá đất bây giờ bán được hơn 2 tỉ đồng, chia mỗi người được vài trăm triệu, rồi gia đình 7 người của tôi ở đâu, làm gì sống?”, ông Út bày tỏ.
Hồi tháng 4.2022, UBND xã Thanh Đức đưa vụ việc trên ra hòa giải, vận động ông Hảo để lại lối đi cho gia đình ông Út trong thời gian chờ cấp thẩm quyền giải quyết nhưng ông Hảo từ chối. Hơn nửa năm qua, gia đình ông Út phải chịu cảnh đi lại bất tiện, cuộc sống vốn bình yên giờ đảo lộn.
Trong đơn khởi kiện, ông Út và gia đình cho biết đồng ý hoàn tiền cho ông Hảo để có thể sử dụng lối đi với diện tích khoảng 140m². “Trước lúc ông Hảo mua phần đất liền kề đất của tôi, tôi đã liên hệ với chủ cũ đề nghị mua lại phần đường đi này, nhưng người này nói, nếu bán phần đường đi này, ông Hảo sẽ không mua đất. Gia đình tôi thật không còn cách nào nữa. Thời chiến tranh tôi còn có đường để đi, bây giờ lại gặp cảnh tù túng thế này”, ông Út bức xúc.
Nói về vấn đề trên, Ths.LS Ngô Việt Bắc – Văn phòng Luật sư Sài Gòn – Tây Nguyên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp như của ông Út luật đã có quy định. "Điều 254, Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ quyền về lối đi qua. Cụ thể, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi…”, LS Bắc cho biết.