Gia đình bất hòa vì dừng… học thêm

Từ ngày bọn trẻ không đi học thêm buổi tối, không phải đưa đón con, anh lại tụ tập bạn bè nhậu nhẹt đến tận khuya mới về. Chị ở nhà vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo. Không khí gia đình không còn êm đềm như trước.

1. Trước khi có Thông tư 29 quy định mới về dạy thêm, học thêm, buổi tối, sau khi đưa con đi học, anh chị có 2 tiếng “tự do” mỗi tối cùng nhau đi bộ tập thể dục, đi uống cà phê, thậm chí có hôm dắt díu nhau đi xem phim chiếu rạp. Giờ thì những thú vui như thế chỉ còn là kỷ niệm.

Gánh nặng học tập đang đè lên tuổi thơ của con trẻ. Ảnh minh họa

Gánh nặng học tập đang đè lên tuổi thơ của con trẻ. Ảnh minh họa

Buổi tối, khi thằng bé lớp 4 xong bữa tối, gia đình ngay lập tức được sắp xếp lại như một lớp học. Ở đó chị là cô chủ nhiệm khó tính, mặt lúc nào cũng cau có, miệng lẩm nhẩm tính toán. Tại sao bài toán này đơn giản thế mà con không làm được? Sao đoạn văn này tả về cha mà con viết như tả... ông nội?

Anh vốn dốt Toán lẫn tiếng Việt nên chỉ biết ngồi canh con học như bác bảo vệ ở trường. Thi thoảng anh lại thở dài rồi cất lên một câu không đầu không cuối: “học thế này thì chết”. Nhưng rồi chẳng biết ai chết, chỉ thấy, không khí gia đình căng như dây đàn, áp lực ngày càng đè nặng lên đứa trẻ là có thật.

Đều đặn, tối nào cũng vậy, chị cầm chiếc điện thoại tra cứu, giải thích đi, phân tích lại, thằng bé vẫn không thể hiểu cách giải một bài toán lớp 4. Cho dù đã có đáp số nhưng giữa tham khảo cách giải trên mạng với phương pháp truyền đạt để một học sinh tiểu học nắm vững kiến thức là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bức xúc vì con chậm hiểu, có lúc chị lớn tiếng quát mắng theo kiểu “giận cá chém thớt”. Anh trở thành nạn nhân trong lớp học bất đắc dĩ ở nhà.

Chán nản với cảnh tượng căng thẳng mỗi tối, mấy hôm nay anh bắt đầu về muộn, bỏ cơm tối, đi nhậu với bạn bè. Gia đình vốn đã mệt mỏi lại mệt mỏi thêm. Chị cho rằng, dạy con học giờ là trách nhiệm của cha mẹ, không thể khoán trắng cho phụ nữ. Dù rất phản đối chuyện dạy thêm tràn lan như trước nhưng đôi lúc, chị lại ước, giá như…

Bất giác chị nghĩ đến những buổi tối có thể đi spa về muộn mà không lo phải nghĩ đến những cuốn bài tập dày cộp đang đợi mình. Nó thực sự là trận chiến mỗi tối. Đến mức đi vào giấc ngủ cũng không yên vì ấm ức khi con chưa hiểu bài văn này, phép tính nọ. Chị dù từng là học sinh chuyên Văn nhưng công việc sau này không liên quan nhiều đến chữ nghĩa thì bây giờ chính thức phải… học lại. Mà môn Văn hôm nay với văn mấy chục năm trước đâu có giống nhau. Toán thì lại càng khó, chưa kể còn tiếng Anh, môn mà hồi đi học, chị còn chưa biết “một chữ cắn đôi”.

2. Một người cha là doanh nhân có con đang học lớp 9. Năm nay, nói như anh, mục tiêu lớn nhất của gia đình không phải là công ty doanh thu mấy chục tỷ, là mua nhà mới, sắm xe sang mà là chuyện cậu cả phải vào được lớp 10 chất lượng cao của thành phố.

Anh thừa nhận, bấy nay, buổi tối cháu đang theo học thêm chính cô giáo bộ môn ở trường. Từ ngày có quy định mới về dạy thêm, học thêm, cô giáo tạm dừng lớp học để chờ hướng dẫn, con trai anh đành tự học tại nhà. Anh cho rằng, nếu kỳ thi lớp 10 tới đây, đề vẫn khó như năm ngoái, học sinh không học thêm, không chọn đúng thầy, sẽ rất khó để có thể…vượt vũ môn.

Là người làm doanh nghiệp, anh ủng hộ việc đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài trường nhưng trường hợp cụ thể ở gia đình mình, anh nói trở tay không kịp vì nếu thay đổi giáo viên, con anh sẽ không có thời gian thích nghi.

Vợ anh suy nghĩ thoáng hơn. Rằng nếu không thể vào được trường công danh tiếng, con trai có thể chọn một trường tư thục chất lượng cao. Gia đình có điều kiện kinh tế, không phải lo lắng nhiều đến chi phí học tập. Chưa kể, đó cũng là cách giảm áp lực cho con. Theo chị, có nhiều cách để vào đời, không nhất thiết cứ phải học giỏi nếu như con không có năng lực nổi trội. Vấn đề là phải giáo dục cho con hiểu, không bao giờ được bỏ cuộc. Còn nếu đã cố gắng hết sức, không đạt được nguyện vọng cũng không phải hối tiếc. Hãy tìm một con đường khác phù hợp hớn với năng lực sở trường. Hãy dành thời gian để con trẻ học thêm, rèn luyện thêm kỹ năng sống, phát huy năng khiếu ở những môn khác.

Hai quan điểm khác nhau về học khiến anh chị không thể ngồi lại cùng nhau mỗi tối. Đứa trẻ 14 tuổi ngồi im lìm trong bàn học nghe bố mẹ tranh luận nảy lửa về học thêm, về thi cử mà không biết tương lai mình rồi sẽ đi về đâu?

3. Mới đây, một câu chuyện về học thêm được một người mẹ chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều phụ huynh vô cùng cảm phục, ngưỡng mộ. Chị kể hồi hai con trai học cấp 2 chị không cho đi học thêm. Chồng chị phản đối dữ dội vì cho rằng cả xã hội như thế, việc gì mình phải đi ngược lại. Gia đình từng rất căng thẳng trong việc quyết định có cho con đi học thêm hay không? Một hôm cô giáo nói thẳng tại cuộc họp phụ huynh, rằng nếu không đi học thêm, hai con trai của chị sẽ trượt cấp 3 và không có tương lai vào đại học, chỉ còn đường về nhà “cuốc đất”. Dù không nói với con nhưng bằng cách nào đó, câu nói của cô giáo cũng đến tai hai cậu bé. Những năm sau đó, mẹ con chị vẫn quyết tâm không học thêm. Bằng nỗ lực tự học của mình, cả 2 chàng trai đã đỗ vào những trường đại học top đầu cả nước. Ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học và được nhận một công việc tốt, cậu cả nhắn tin cho mẹ như hét lên: “Mẹ ơi thế là con không phải đi cuốc đất nữa rồi”.

Không phải người mẹ nào cũng dũng cảm như người phụ nữ trong câu chuyện trên. Và không phải học sinh nào cũng có ý thức tự học tốt như hai chàng trai nọ. Nhưng rõ ràng không phải cứ học thêm thì mới giỏi, mới đỗ đạt, mới thành tài.

4. Tất cả các câu chuyện trên đây đều là những câu chuyện, tình huống điển hình liên quan đến học thêm. Nhưng cả 3 vấn đề nêu trên không đại diện cho tất cả học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Ai cũng có góc nhìn riêng liên quan đến quyền lợi của gia đình mình, cá nhân mình mà chưa phải vì học sinh nói chung.

Học thêm, dạy thêm đã đến lúc phải đi vào nề nếp. Không thể vì học thêm mà những đứa trẻ không còn tuổi thơ. Không thể vì dạy thêm mà các thầy cô giáo quên đi nhiệm vụ của mình là dạy chính khóa. Không thể vì thành tích mà cha mẹ, thầy cô và nhà trường ép các em phải học ngày, học đêm. Nhưng gốc rễ của vấn đề vẫn là nội dung chương trình học hành, thi cử quá nặng nề. Giảm tải chương trình sao cho vừa sức, hợp lý với từng lứa tuổi, từng cấp học mới là biện pháp tốt nhất để học sinh, phụ huynh không cần phải học thêm, không có nhu cầu học thêm. Để học sinh phải thực sự hạnh phúc, trường học thật sự hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui chứ không phải chỉ là một khẩu hiệu.

Dừng dạy thêm, học thêm ở một góc nhìn khác có thể là cơ hội để tính tự giác học tập, tính tự lập của học sinh được nâng lên; đồng thời tăng cường trách nhiệm của phụ huynh, gia đình với con em mình.

Quang Duy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/gia-dinh-bat-hoa-vi-dung-hoc-them-d204648.html