Gia đình có 3 bố con là phi công tiêm kích
Điều đặc biệt của gia đình Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370 là 3 bố con đều lái tiêm kích.
Video: Xem huấn luyện bay từ trên không cùng Trung đoàn 921 ngày Tết
“Thầy giúp đoạn nào hay em lái hết?”
“Mọi chuyện ổn hết chứ?”…
Đó là những câu Thượng úy Nguyễn Phi Long thường hỏi Trung úy Nguyễn Long Phi vào mỗi buổi chiều, sau khi Phi kết thúc bài bay thực hành.
Những ngày làm nhiệm vụ, Long ngồi trên đài chỉ huy quan sát đồng đội, trong đó có người em trai của mình thực hiện cất hạ cánh. Long ghi nhận xét cẩn thận, chi tiết, cả ưu điểm và sai sót. Mọi người hạ cánh an toàn, Long mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Con của lính bay
Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển (Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370) cười xòa bảo: “Gia đình mình có gì đặc biệt đâu. 3 bố con đều là những người lính như các anh em, đồng chí khác thôi mà”.
Năm 1993, quân nhân Nguyễn Ngọc Hiển đón món quà quý giá nhất của cuộc đời mình là hai con trai sinh đôi. Hồi nhỏ, hai anh em cái gì cũng phải giống nhau, từ quần áo, mũ, cặp sách... Đến ốm cũng đứa ốm trước, rồi lúc sau đến lượt đứa kia.
Do hoàn cảnh gia đình, Long và Phi sống với bố từ nhỏ. Mỗi lần bố đi công tác thường gửi hai con ở nhà người cô. Từ năm lớp 5 đến năm lớp 10, hai anh em sống cùng bác ở Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Thời gian đó, khoảng 2 - 3 tuần, có khi 1 tháng, Đại tá Hiển mới tranh thủ lên thăm hai con một lần, mỗi lần khoảng 2 ngày. Đi từ Phan Rang lên Bảo Lộc rất vất vả, đường đèo, xe cộ khó khăn. Cứ đến lịch bố về, hai anh em lại ra ngoài đường ngóng. Có hôm mưa gió hay trễ xe đò, bố về muộn, hai cu cậu vẫn đứng chờ bằng được.
Còn nhỏ, Long và Phi đã được bố Hiển chỉ bảo làm những việc như rửa bát, quét nhà, lớn thêm chút nữa thì biết giặt quần áo, nấu cơm. Từ năm lớp 4, vào những dịp nghỉ hè, nghỉ Tết, hai anh em được xuống đơn vị chơi với bố, làm quen với cuộc sống bộ đội. Tất cả sinh hoạt đều theo thời gian quy định.
Buổi sáng, trước khi đi bay, bố giao bài tập cho 2 anh em làm. Buổi trưa, Long và Phi đi ăn cơm cùng các chú trong đơn vị, sau giờ nghỉ trưa lại tiếp tục học. Cuối buổi chiều, hai anh em cùng các chú chơi thể thao và được học võ.
“Có những hôm hai anh em dậy từ 3 - 4h sáng theo bố ra ban bay, cũng đi trực với bố và các chú. Bố bay chuyến nào chúng tôi ra sân bay chuyến đấy. Được tận mắt thấy bố và các chú sống, làm việc như thế, được nhìn thấy “con chim sắt” cất cánh lên bầu trời, hai anh em thầm ngưỡng mộ và nuôi dưỡng ước mơ làm phi công”, Long nhớ lại.
Chắp cánh ước mơ
Năm lớp 10, hai anh em chuyển về Phan Rang ở với bố nên được tiếp xúc nhiều hơn với các chú, các bác phi công. Tình yêu bầu trời và ước mơ làm phi công càng lớn hơn.
“Ngày ấy, nhìn quân phục phi công, buồng lái, các cánh lái, nghe tiếng động cơ..., tất cả mọi thứ tôi đều thích thú vô cùng. Nhưng chỉ là thích, là ước mơ thôi, chứ không dám nghĩ một ngày nào đấy tôi trở thành phi công”, Phi Long kể lại.
Học xong lớp 12, hai anh em quyết định thi vào Trường đào tạo Không quân và cùng trúng tuyển.
Khi ấy, Đại tá Hiển đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, chưa chuyển về công tác dưới Sư đoàn. Ngoài những lúc thực hiện nhiệm vụ, ông thường tâm sự để truyền dạy những kinh nghiệm của một phi công đã trưởng thành cho các con. Ông cũng nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con mình qua các giáo viên, cán bộ. Nhờ vậy, Long và Phi trưởng thành hơn.
Nhớ lại những ngày đầu, có những chuyến bay, do chưa tiếp thu hết, Long rất căng thẳng. Nhiều bài bay khó Long vẫn chưa làm được, còn để sai lệch. Đêm về, anh trằn trọc không ngủ. Nhớ câu bố nói: “Mỗi chuyến bay sẽ khác nhau, có chuyến khuyết điểm này, có chuyến khuyết điểm kia, không tròn trĩnh được, đặc biệt là người đang đi học”, Long lại tự động viên cố gắng.
Cuối năm 2015, Nguyễn Phi Long ra trường, nhận nhiệm vụ tại Sư đoàn không quân 370. Tháng 4/2017, anh ra Hà Nội học tiếng Nga chuyên ngành và từ tháng 2/2018 về Trung đoàn Không quân 935, chuyên lái tiêm kích Su-30MK2. Năm 2017, Nguyễn Long Phi ra trường và cũng về Trung đoàn 935 nhận nhiệm vụ.
Năm 2018, sau khi học nâng cao, chàng phi công trẻ Nguyễn Phi Long có chuyến bay đầu tiên trên Su-30MK2.
“Trước khi bay, tôi khá hồi hộp vì lần đầu tiên được ngồi trên tiêm kích Su-30MK2 nên chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ bay. Sau này, khi bay thành thạo, tôi mới có cơ hội ngắm nhìn bầu trời cũng như mặt biển quê hương. Lúc đấy không phải là cảm giác của một vị khách đi trên những chuyến bay thương mại nữa mà trên cương vị là một phi công. Cảm giác đó vô cùng khác lạ”.
Còn với người em, Trung úy Nguyễn Long Phi, cảm nhận về lần bay đầu tiên lại có phần khác biệt: “Lần đầu tiên bay lên bầu trời rất khó nên tôi phải cố gắng nhiều. Vinh quang và tự hào lắm, vì hồi ấy một khóa học có khi bị cắt bay khoảng 1/3 đến 1/4 học viên”.
Sau mỗi chuyến bay, kể cả đến thời điểm này, hai anh em đều trao đổi với bố về các tình huống và học được nhiều kinh nghiệm.
Long và Phi thuộc hai phi đội, đôi lúc cũng tranh luận với nhau. Nếu góc nhìn chưa phù hợp thì cùng trao đổi đi đến thống nhất, để chuyến bay ngày hôm sau tốt hơn. “Anh Long ra trường trước tôi 2 năm, kinh nghiệm bay nhiều hơn. Có những bài bay mới tôi vẫn phải hỏi anh ấy”, Trung úy Phi chia sẻ.
Trái tim nóng, cái đầu lạnh
Nghề phi công tiêm kích được thế giới xếp vào hàng nhất nhì trong những nghề nguy hiểm. Những khó khăn và trắc trở khi bay có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cùng một thời điểm, một tình huống, nhưng mỗi người có động tác khác nhau, cách xử lý khác nhau, cảm nhận cũng khác nhau. Qua mỗi trường hợp, phi công tự rút ra những kinh nghiệm cho bản thân, rèn luyện bản lĩnh để vượt qua những thử thách đó.
Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển kể một tình huống nguy hiểm:“Trong một chuyến bay đêm, tôi bay cùng Trung tướng Nguyễn Kim Cách (nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân). Trong quá trình bay xuống thì có con vịt trời chui vào động cơ máy bay Su-22M4 tôi đang điều khiển. Đây là máy bay một động cơ.
Khi đó, lá nén trong các tầng nén của động cơ bị nứt và gây ra tiếng động lạ. Lúc bấy giờ không phát huy được lực đẩy của động cơ, có thể bị chết máy hoặc không đủ lực để đưa máy bay bay lên thì sẽ bị rơi. Trong trường hợp này, kể cả trên thế giới, phương án duy nhất là nhảy dù khỏi máy bay để bảo toàn tính mạng cho phi công.”
Tuy nhiên, bằng ‘cái đầu lạnh’, Đại tá Hiển và Trung tướng Cách bình tĩnh xử lý. Động cơ khôi phục được lực đẩy và lấy lại độ cao cũng như tốc độ như ý muốn. Sau đó, máy bay hạ cánh an toàn. Lúc này, hai anh em mới thở phào nhẹ nhõm. Ai cũng đẫm mồ hôi. Khi kiểm tra, động cơ của chiếc Su-22 đó đã hỏng hoàn toàn, phải thay động cơ mới.
Thượng úy Nguyễn Phi Long cách đây mấy tháng cũng gặp nguy hiểm trong một chuyến bay đêm cùng thầy Huỳnh Mạnh Thắng, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935. Máy bay báo bất trắc đột ngột, giả hỏng hai hệ thống thủy lực, vô cùng nguy hiểm đối với phi công. Nếu điều đó xảy ra thì không còn cách nào khác là phải bỏ máy bay và nhảy dù. Lúc đó, trời tối mịt mù. Thượng úy Long nhanh chóng định hình, tự động viên bản thân bình tĩnh lắng nghe và cùng thầy kiểm tra các hệ thống xác định được báo giả, sau đó vào hạ cánh bình thường.
“Với tôi đấy là cảm nhận hoàn toàn khác, chưa gặp trường hợp này bao giờ và đặc biệt hôm đấy là bay đêm nữa. Khi về, tôi suy nghĩ nếu gặp trường hợp đó mà bay đơn mình liệu có xử lý được không”.
Đại tá Hiển luôn nói với các con về cách xử lý những bất trắc. Kể cả người chỉ huy hay phi công, quan trọng nhất là phải bình tĩnh mới định hình và xử lý được các tình huống.
Hiện tại, Long đã vào trực ban sẵn sàng chiến đấu ban đêm, còn Phi vào trực ban chiến đấu ban ngày.
Tết của gia đình phi công tiêm kích
3 bố con đều là phi công chiến đấu nên ít khi được gặp nhau ở nhà. “Bố tôi về Sài Gòn làm chỉ huy cấp sư đoàn rồi, nhưng lần nào xuống đây kiểm tra và hợp tác cùng đơn vị làm việc cũng không ở phòng khách mà toàn ở cùng phòng một trong hai anh em để dễ 'buôn’ chuyện”, Phi cười chia sẻ về cách thức gặp gỡ đặc biệt của 3 bố con. Đây cũng là dịp Đại tá Nguyễn Ngọc Hiển trao đổi kinh nghiệm bay với các con và những phi công trẻ trong đơn vị.
Ngày lễ, ngày Tết, bộ đội tăng cường lực lượng trực ban sẵn sàng chiến đấu, 3 bố con cũng không mấy khi được sum họp.
“Tết đoàn viên ai cũng mong được về nhà. Nhưng ngày cao điểm như 30, mùng 1 Tết, nhà tôi ở gần nên thường ưu tiên cho những đồng đội ở xa về ăn Tết, còn mình đi trực. Ngày 23 tháng Chạp, hoặc là ngày 27-28 Tết, tôi và Phi cũng dành thời gian về với gia đình. Như thế cũng coi như là Tết rồi. Hiện nay có điện thoại nên cũng tranh thủ, hài hòa thời gian đi trực để ba bố con gặp nhau”, Long nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/gia-dinh-co-3-bo-con-la-phi-cong-tiem-kich-ar657865.html