Gia đình đón anh về!
Trong trầm mặc khói hương, sáng 5/8, người thân, gia đình, bà con chòm xóm, đồng đội và bạn bè đã tề tựu tại căn nhà số 16, ngõ 30 Văn La, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội, lo chu toàn mọi nghi thức theo phong tục để đón anh - Thượng úy, liệt sĩ Đỗ Đức Việt.
Sau 5 ngày Thượng úy Đỗ Đức Việt hy sinh, hôm nay, gia đình và đồng đội đưa linh cữu và di ảnh của anh qua nhà, trước khi đến nơi cử hành trọng thể tang lễ, tiễn đưa anh cùng hai đồng đội là Thượng tá Đặng Anh Quân và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chị Đỗ Thị Thúy Nga (chị họ đồng chí Việt) cho biết, cả nhà đã đến Bệnh viện 19/8 để đón em. Bây giờ chỉ có chị và họ hàng ở nhà. Trong những lời chia sẻ ngắt quãng, chị nói “Việt yêu nghề lắm, dù vất vả như nào cậu ấy cũng không than phiền. Mỗi khi đi hoàn thành nhiệm vụ, cứu được ai đó, Việt thường rất vui và hay kể với tôi”.
Có mặt tại nhà Thượng úy Đỗ Đức Việt gần như sớm nhất, Thượng úy Nguyễn Mạnh Ninh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông và Thượng úy Lại Thanh Nga, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy đã thắp nén hương tưởng nhớ người em, người đồng chí, đồng đội thân thiết và giúp đỡ gia đình đón tiếp bà con chòm xóm cùng những người ở xa tới mỗi lúc một đông.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổ trưởng cùng các cô bác trong Tổ dân phố Văn La cho biết, gia đình Thượng úy Đỗ Đức Việt là một gia đình tiêu biểu, bố mẹ gương mẫu, con cái ngoan hiền, hiếu thảo. “Khi biết tin cháu hy sinh khi làm nhiệm vụ, chúng tôi rất bàng hoàng, vội vàng đến thăm hỏi gia đình ngay”.
Gần 9h, từ phía đầu con ngõ 30 phố Văn La, rất đông CBCS và người dân xung quanh đã có mặt, đứng ngay ngắn hai bên đường. Rất nhiều người trong đó chưa hề quen biết gia đình. Bà Nguyễn Thị Thực ở Hà Đông là một người như vậy. Bà chưa từng biết đến Thượng úy Đỗ Đức Việt, chưa từng nghe ai nói về anh trước ngày 1/8 và hôm nay, ngày 5/8, bà Thực đến tiễn đưa anh. Đứng ngóng chờ đoàn xe di quan của Thượng úy Đỗ Đức Việt ở đầu ngõ 30 Văn La, bà Thực cho biết: “Nhà tôi ở cách đây hơn 1km. Mấy ngày nay, tôi đọc báo, biết đến sự hy sinh anh dũng của đồng chí Việt và đồng đội, tôi rất xúc động. Đạo lý làm người phải thế, nghe về sự hy sinh của các liệt sĩ, những anh hùng đã quên mình chiến đấu với giặc lửa để bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là tôi biết mình phải đến đây”.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị An ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cũng đang đứng ngóng theo “tôi đi chữa bệnh ở gần đây, khi nghe các đồng chí Công an kể về sự hy sinh của cháu Việt, tôi rất khâm phục nên quyết định đứng đây để tiễn cháu một đoạn đường cuối cùng này”.
Cảnh “người đầu bạc đưa tiễn người đầu xanh”, những giọt nước mắt lặng lẽ của người làm cha, làm mẹ đắm chìm trong nỗi đau cùng cực, khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa. Thế nhưng, khi đứng trước bàn thờ của con, ông Đỗ Văn Tư và bà Nguyễn Thị Cúc (cha mẹ của đồng chí Việt) đã không thể kìm nén, thực hiện theo lời khuyên của gia đình rằng, “phải gắng gượng để lo cho con”, “để con an lòng”. Tất cả một lần nữa vỡ òa, nức nở!
Khoác lên mình màu áo lính cứu hỏa theo đúng ước mơ, nguyện vọng từ tấm bé với trái tim nhiệt huyết, đầy yêu thương, anh lính dũng cảm đã không quản ngại vất vả, hy sinh, đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao, xông vào biển lửa để cứu giúp mọi người.
Hành động “phía trước là Nhân dân” với mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp Nhân dân là hành động cao đẹp, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của người chiến sĩ CAND. Hình ảnh và sự hy sinh cao đẹp của Thượng úy Đỗ Đức Việt luôn sống mãi trong trái tim của gia đình, đồng chí, đồng đội và bạn bè…
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/guong-sang/gia-dinh-don-anh-ve--i662909/