'Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng'

Đó là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm nay. Vì vậy, mỗi gia đình phải là một mái ấm hạnh phúc, rộn tiếng cười vui để cùng nhau xây dựng đất nước tiến bộ, hạnh phúc.

Hạnh phúc từ sự sẻ chia, tôn trọng

Đến với nhau bằng tình yêu chân thành nhưng để xây dựng được gia đình hạnh phúc như hôm nay lại là một quá trình nỗ lực, vun đắp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Trình-chị Đoàn Thị Điệp (286 Lê Duẩn, TP. Pleiku). Quê chị Điệp ở Nam Định, còn anh Trình ở tỉnh Phú Thọ.

Năm 2008, anh Trình và chị Điệp quen nhau khi cả 2 cùng tham gia học lớp dạy chữ nổi và nghề xoa bóp, bấm huyệt miễn phí cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh Nam Định kết nối với một đơn vị tại Hà Nội tổ chức. 3 năm sau, anh chị nên duyên vợ chồng. Mặc dù cuộc sống trải qua nhiều khó khăn, sóng gió nhưng anh chị đều cùng nhau vượt qua.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trình và chị Đoàn Thị Điệp ở 286 Lê Duẩn (TP. Pleiku) luôn quan tâm, chia sẻ với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Đinh Yến

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Trình và chị Đoàn Thị Điệp ở 286 Lê Duẩn (TP. Pleiku) luôn quan tâm, chia sẻ với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: Đinh Yến

Chị Điệp chia sẻ: Sau khi kết thúc khóa học, anh chị được một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở Hà Nội nhận vào làm. Với kiến thức đã học, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp, tay nghề ngày càng được nâng lên. Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm, cuối năm 2012, anh chị quyết định vào Gia Lai lập nghiệp; đồng thời mạnh dạn vay mượn vốn của người thân, thuê văn phòng tại 286 Lê Duẩn để mở Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Bàn Tay Vàng.

“Những ngày đầu, cuộc sống của vợ chồng tôi thật sự khó khăn. Chúng tôi đều phải tự lo mọi việc bởi gia đình 2 bên đều khó khăn, không hỗ trợ được nhiều. Chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng. Mừng là 3 đứa con đều chăm ngoan, học giỏi. Sau nhiều năm cùng nhau phấn đấu, năm 2019, chúng tôi mua đất và xây dựng được căn nhà riêng.

Dù hàng ngày bận rộn với công việc nhưng vợ chồng tôi luôn sắp xếp thời gian để cùng nhau tập thể dục, chia sẻ chuyện nội trợ và nuôi dạy con cái. Với tôi, hạnh phúc là gia đình bình an, vợ chồng quan tâm, sẻ chia với nhau, còn các con thì khỏe mạnh, có ý thức học tập, rèn luyện, phấn đấu”-chị Điệp bộc bạch.

Vợ chồng ông Rơ Mah Honh-bà Rơ Lan H’Phơnh (làng Sung Le Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) đã chung sống hạnh phúc hơn 30 năm qua. Ông bà luôn thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc và chăm sóc con cái, phát triển kinh tế gia đình. Gia đình bà H’Phơnh là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương.

Bà H’Phơnh cho biết: Trước đây, cuộc sống còn khó khăn nhưng ông bà luôn quan tâm đến chuyện học hành của con cái. 6 người con đều được học hành đầy đủ, hiếu thuận và làm kinh tế giỏi. Con gái đầu tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Huế năm 2018, hiện là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Người con trai thứ 2 sau khi học hết THPT thì ở nhà chăm lo phát triển kinh tế gia đình cùng bố mẹ. 2 người con trai kế tiếp học hết lớp 12, đều đã có gia đình riêng, cuộc sống khá giả. Con gái thứ 5 hiện đang học năm thứ 2 ngành Công tác xã hội tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Còn cô út năm nay lên lớp 9, là học sinh giỏi nhiều năm liền.

Theo bà H’Phơnh, muốn gia đình hạnh phúc thì rất cần sự chia sẻ, vun đắp, xây dựng của cả vợ và chồng. Hơn 30 năm qua, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, vợ chồng bà đều trao đổi để tìm hướng đi, tiếng nói chung.

“Với người Jrai thì người mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình. Để các con trưởng thành như ngày hôm nay, tôi luôn nói với chúng rằng, bố mẹ tuy ít chữ nhưng dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn như thế nào thì vẫn quyết tâm lo cho các con học hành đầy đủ. Và may mắn các con đều nghe lời, đứa nào cũng ngoan ngoãn, chịu khó”-bà H’Phơnh chia sẻ.

Vợ chồng ông Rơ Mah Honh-bà Rơ Lan H’Phơnh (làng Sung Le Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Ảnh: Hlơnh

Vợ chồng ông Rơ Mah Honh-bà Rơ Lan H’Phơnh (làng Sung Le Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Ảnh: Hlơnh

Thiêng liêng 2 tiếng “gia đình”

Ngày 28-6 hàng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp để nhắc nhở mỗi người phải trân trọng, yêu thương và quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình. Thế nhưng, việc xây dựng gia đình hạnh phúc không phải là điều dễ dàng mà cần rất nhiều yếu tố.

Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho rằng: Trong xã hội hiện nay, trình độ dân trí cũng như hiểu biết của mỗi người ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đâu đó vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Điều này rất dễ dẫn đến sự thiếu tôn trọng của người chồng đối với người vợ. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái, nhiều phụ huynh luôn áp đặt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dẫn đến việc con cái cảm thấy bất mãn, tìm cách chống đối, tách khỏi cha mẹ.

“Vì thế, mỗi thành viên trong gia đình cần có sự chia sẻ, cảm thông, động viên, khích lệ lẫn nhau. Để có một gia đình hạnh phúc thì gia đình đó phải được xây dựng trên một nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh”-ông Hạnh nhấn mạnh.

Còn theo bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh thì: Trong cuộc sống gia đình, sự quan tâm, những lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để mỗi thành viên vượt qua mọi khó khăn. Hơn thế, khi vợ chồng luôn yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu và chung sức thì mọi khó khăn, trắc trở đều có thể vượt qua.

Gia đình chính là điểm tựa vững chắc, tạo động lực để chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của mỗi thành viên, đặc biệt là các con bay xa.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-dinh-hanh-phuc-quoc-gia-thinh-vuong-post283020.html