Gia đình học tập được vun đắp từ nếp nhà
Tại Thôn Chiền, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, có một gia đình mà nhiều năm nay, khi nhắc đến, người dân đều có chung nhận xét: con cháu cụ Trù thật hiếu học, giỏi giang. Đó là bố mẹ tôi, cụ ông Nguyễn Văn Trù, sinh năm 1933 và cụ bà Nguyễn Thị Miễn, sinh năm 1931.
Bài dự thi cuộc thi viết "Gia đình học tập" của tác giả Nguyễn Thị Diệp (Hà Nội)

Các con cụ Trù trong ngày Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh nhận Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên dưới nếp nhà có truyền thống hiếu học. Ông nội tôi là nhà nho hay chữ, hiểu lễ nghĩa, sống nhân hậu thiện lương từ những việc nhỏ nhất.
Bố tôi kể lại: năm 1945, người chết đói rất nhiều. Gia đình tôi có ao dọc khoai, đêm nào cũng có người lấy dải khoai về nấu cháo. Hàng xóm mách, nhưng ông coi như không biết, và dặn các con ngơ đi, làm phúc cứu đói.
Những năm chống Mỹ, nhiều người miền Trung ly tán, chạy ra Bắc. Ông đã cưu mang cặp vợ chồng nhà nho người Quảng Bình (Cụ Nguyễn Võ Song). Các cụ đều có lương hưu và sổ gạo, nhưng ra Bắc không có chỗ ở. Ông đã mời về nhà, nhường căn buồng để các cụ ăn ở. Nhiều năm sống cùng nhà, ông có thêm bạn tri kỷ bình thơ, đàm đạo văn chương, luận bàn thế sự, tâm đầu ý hợp.
Rồi chiến sự tạm yên, 2 cụ về quê. Khi ông tôi mất, cụ Song trở lại xúc động làm bài phúng, những ngày giỗ ông, bố đều đọc, chúng tôi dần cảm nhận được những lời gan ruột của cụ, nên đều thuộc lòng:
"Ông đi đâu mong sớm sớm không về, mong trưa trưa không về, mong tối tối cũng không về. Tưởng nỗi niềm tâm sự cùng nhau, khi đàm đạo văn chương, lúc luận bàn thế sự. Giờ kẻ mất người còn, đức độ ấy đủ tương truyền con cháu mãi.
Tôi trở lại, hỏi anh anh cứ khóc, hỏi chị chị cứ khóc, hỏi cháu cháu cùng cứ khóc. Nhớ hào hiệp ân tình mến khách, vừa thảm sầu vĩnh biệt, vừa thương cảm tang gia. Càng nung gan nấu ruột, môn phong này còn lưu luyến bạn bè sau.
Quảng Bình nghĩa khách. Khuynh thân vĩnh biệt!"
Sau này, con cụ Song vẫn đi lại, chúng tôi có thêm người cô thân thuộc như ruột thịt, chia vui sẻ buồn.


Hai cụ Trù - Miễn cùng 8 con đẻ và 1 con dâu và các cháu.
Bố tôi làm thợ xẻ, cái nghề mà bố nói "ráo mồ hôi là hết tiền". Trời phú cho bố có tay nghề giỏi, làng trên xã dưới, gia đình nào làm nhà, đóng đồ đều nhờ bố xẻ gỗ, nên không lúc nào hết việc.
Mẹ tôi làm ruộng. Ngày đó chưa có kế hoạch hóa gia đình, 8 chị em tôi trứng gà trứng vịt, việc đồng áng mẹ chẳng tham gia được bao nhiêu. Công điểm ít, mỗi vụ chỉ được vài chục cân thóc, để lo cho các con đủ đầy, mẹ phải bươn chải thêm. Quê tôi có nghề đan quạt nan, mẹ mua quạt của nhà khác, đi các chợ quê bán lẻ. Từng cân mì sợi, mớ rau, quả bí được chắt chiu từ giọt mồ hôi của mẹ, cùng với tiền công thợ xẻ của bố đã nuôi chúng tôi khôn lớn. Bố mẹ nhận nuôi 1 con trâu cho Hợp tác xã để có thêm công điểm. Biết bố mẹ vất vả, chị em phân công nhau đỡ đần những công việc vừa sức: ngoài giờ học, em chăn trâu, kiếm rau lợn, chị đan quạt phụ thêm vào chi tiêu gia đình. Lúc nông nhàn, mẹ cắt tấm màn rách thành vó tôm, buổi sáng chúng tôi kéo tôm ở ao đầu làng, mẹ phơi khô dùng dần, thỉnh thoảng kiếm mớ ốc giỏ cua, thêm thắt vào bữa ăn hàng ngày.
Ông bà tôi vẫn dặn: "Giấy rách phải giữ lấy lề, nhà mình nghèo nhưng không được hèn". Thế nên dù thiếu đói, chúng tôi cũng rất biết ý, đến nhà ai chơi mà họ dọn cơm là chào ra về, không ăn chực; từ quả na trái ổi cũng không bao giờ vặt của ai. Nếp sống thiện lương ấy đã thành nếp nhà, để các thế hệ gìn giữ và phát huy.
Những câu chuyện thấm đẫm tình cảm gia đình khiến tôi không bao giờ quên: Thời đó chưa có điện, chị em tôi đều phải quạt bằng tay. Bố liền kiếm miếng gỗ dán mỏng, lấy tấm chăn chiên cũ, phủ bên ngoài rồi treo lên xà nhà, buộc dây chạy dọc theo 3 gian nhà, thế là có chiếc quạt kéo. Mỗi lần ăn cơm, 1 tay bố dùng đũa, tay kia kéo dây, cái lưỡi chăn phất đi phất lại, chúng tôi tha hồ mát, lưng bố ướt đẫm mồ hôi, mẹ rưng rưng nước mắt.
Thời bao cấp khó khăn, gia đình đông con, bố mẹ tôi phải cố gắng lắm mới không để các con đứt bữa, nhưng bữa ăn chủ yếu là khoai sắn, ngô hầm. Ông nội tôi ngoài 80 tuổi, răng rụng hết, ngô cứng quá không nhai được, phải đổ vào cái cối nhỏ, giã nhuyễn ra rồi trộn với muối trắng ăn. Chúng tôi hỏi thì ông nói "ăn với muối cho trắng má". Trẻ con thi nhau bắt chước ông giã ngô ăn với muối, mà không biết bố nuốt nước mắt vào trong vì thương cha già, con nhỏ.
Khoán 10 triển khai, gia đình tôi được giao ruộng. Chị em tôi ngoài thời gian học, đứa bé cắt cỏ bỏ chuồng làm phân, đứa lớn theo mẹ ra đồng. Do sinh nở nhiều, ăn uống thiếu thốn, không kiêng khem được, mẹ tôi bị bệnh khớp nặng, 1 bên gối cứng ngắc, không duỗi thẳng được, lẽ ra phải đi châm cứu, nhưng do điều kiện y tế còn thiếu thốn nên đành chịu mang tật. Chân đau là thế, vậy mà mẹ vẫn phải ra ruộng làm cùng các con. Có những hôm từ đồng xa về, mẹ không đi bộ được, lúc nhờ được xe cải tiến thì mẹ ngồi lên, chị em tôi kéo về. Có hôm không nhờ được xe, chị em tôi thay nhau cõng mẹ, đứa nào cũng rớt nước mắt, xin mẹ nghỉ học để đỡ đần gia đình. Mẹ động viên: mẹ mồ côi cha từ sớm, nên ít học, các con học thay phần mẹ, bố mẹ chịu khổ mấy cũng vẫn lo cho các con được ăn học tử tế, cố gắng vượt khó mà học để sau này cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhà giáo Nguyễn Thị Khuê (con thứ 2 của cụ Trù).
Đối với bố mẹ tôi, dù khó khăn nhưng sự học của các con là việc quan tâm nhất. Để có giấy viết cho con, mẹ tận dụng vở cũ, cắt những trang chưa dùng đến, đóng thành tập để chị em tôi dùng. Cặp sách được khâu từ miếng bạt ô tô cũ xin được. Trong nhà lúc nào cũng có chai mực Cửu Long để chị em dùng chung. Mẹ rất khéo tay, thường tận dụng đồ cũ xin được của người quen, cắt thành quần áo vừa vặn với từng đứa con. Rồi chị thải cho em, chúng tôi không bao giờ bị mặc rách, khai giảng năm nào cũng có quần hoặc áo mới (đứa được cái quần, đứa cái áo mẹ mua).
Mùa giáp hạt, xoay quanh nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhiều người đã nói "biết chữ có mài ra mà ăn được không…". Còn bố tôi lại bảo: "Bố mẹ nghèo, chả có gì cho các con làm vốn, chỉ cho mỗi đứa tấm bằng, sau này tiền bạc có thể bị mất, chứ mảnh bằng thì không ai lừa của các con được…".
Nhà tôi cách trường cấp ba 4 - 5 cây số, không có xe đạp nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, chị em tôi không bao giờ nghỉ học. Có hôm buổi sáng ăn tạm củ khoai rồi đội mưa đi bộ đến trường, chiều về đói hoa mắt vẫn không nản lòng. Chúng tôi luôn dẫn đầu lớp, là niềm tự hào của thầy cô và nhà trường, tham gia thi học sinh giỏi, năm nào cũng được giấy khen.

Ba con cụ Trù là Diệp Nhạn, Ngọc cùng phấn khởi trong ngày 20/11.
Còn nhớ năm 1975, chị gái đầu của tôi đi bộ từ Hoài Đức xuống Hà Đông thi Đại học, hành trang là những kiến thức đã học được ở trường, ngoài đời. Bố mẹ tự hào chị là con gái đầu tiên đỗ Đại học của làng. Sự kiện này là bước nhảy để chị em tôi có động lực phấn đấu tiếp theo.
Trong khi bạn đồng trang lứa không ít người chưa học hết cấp 2 đã phải bỏ giữa chừng, thì chúng tôi đều được học hết cấp 3, rồi bước vào Đại học. Đến bây giờ đều có nghề nghiệp ổn định, trong đó chị gái đầu là tiến sĩ, 4 cô giáo, 2 người đã trải qua quân ngũ, 1 người làm ruộng. Dù là ai, chúng tôi vẫn nhớ lời bố mẹ dạy: không thành danh thì cũng thành nhân, và đều nuôi dạy các con thành đạt. Chị em tôi góp cho bố mẹ 28 đứa cháu, 25 đứa tốt nghiệp đại học, 1 công an, 1 bộ đội, còn cháu út đang học lớp 11. Thủ khoa đầu vào, đầu ra đều có, học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh cũng nhiều, học xong đều có việc làm ổn định, là người tử tế nhân hậu, thành đạt giỏi giang.
Niềm vui tiếp tục nhân lên khi chị tôi cùng lúc đạt 2 giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ. Hôm chị đi nhận giải tại Nhà hát lớn Hà Nội, vì lý do an ninh, chúng tôi không được vào trực tiếp, mà chỉ chúc mừng chị và chụp ảnh sau khi Hội nghị kết thúc. Làng xóm tự hào vì người con của quê hương đã vinh dự đạt giải cao nhất do Chủ tịch nước trao tặng.
Giữa thời buổi "tấc đất tấc vàng", không ít gia đình xào xáo, huynh đệ tương tàn vì đất đai, thì chị em tôi biết bảo ban nhau. Tiền đền bù đất đai đều thống nhất để các em trai làm nhà thờ cúng bố mẹ. Lúc phân chia thừa kế, chị ở miền Nam vượt hàng ngàn cây số ra để ký giấy nhường lại toàn bộ đất của tổ tiên cho em trai. Làng trên xóm dưới đều nhắc con lấy đó làm gương.

Nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc (con út của cụ Trù).
Khi viết những dòng này, bố mẹ tôi đã về với tổ tiên. Tôi cứ nghĩ mãi về những tháng năm nghèo khó, mỗi con chữ của chúng tôi được đổi bằng biết bao giọt mồ hôi của bố mẹ, nghĩ đến công lao và sự hy sinh vô điều kiện của bố mẹ, để chúng tôi được như ngày hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà một người xa lạ ở Quảng Bình đã viết những lời gan ruột khóc ông tôi chẳng khác gì người có chung máu mủ.
Tuy bố mẹ đã khuất núi, chưa có được danh hiệu Gia đình học tập, nhưng tôi nghĩ, những lời nhận xét của cộng đồng dân cư nhiều đời nay dành cho gia đình tôi, là danh hiệu lớn nhất, cao quý nhất, để mỗi khi nhắc về quá khứ vượt khó của chị em tôi, về công lao của ông bà bố mẹ đã dành tất cả cho sự học của con cháu, chúng tôi sẽ ngẩng cao đầu và nói với các con rằng: Gia đình chúng ta có 1 nếp nhà như thế, hãy gìn giữ và phát huy.

Nhà giáo Nguyễn Thị Diệp (con thứ 5 của cụ Trù).