Gia đình nhà giáo đam mê khoa học

Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ-giáo viên môn Sinh học Trường THPT chuyên Hùng Vương được biết đến là người khởi xướng phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh. Đặc biệt, các con của cô cũng có chung niềm đam mê khi liên tiếp đạt nhiều giải thưởng danh giá tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế.

Đam mê khoa học

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới có dịp trò chuyện cùng Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ. Kể về cái duyên với khoa học, đôi mắt cô lấp lánh: “Hồi nhỏ, khi nghe nói về các nhà khoa học, tôi rất ngưỡng mộ và mong ước một ngày nào đó, mình sẽ trở thành một người nghiên cứu thực thụ”. Đến năm 2012, cô bắt đầu hành trình chinh phục học vị tiến sĩ. Cũng từ lúc này, dù rất khó khăn song cô luôn quyết tâm gầy dựng phong trào nghiên cứu khoa học, đặc biệt cho giới trẻ của tỉnh nhà.

Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ cùng con gái Lê Nhật Minh trao đổi về đề tài nghiên cứu khoa học. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ cùng con gái Lê Nhật Minh trao đổi về đề tài nghiên cứu khoa học. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Những đề tài ban đầu của cô và các học trò dần được hình thành, trong đó có sự tham gia của con trai Lê Trí Viễn-cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương. “Dưới sự hướng dẫn tận tình của mẹ, em đã biết cách tìm hiểu, chọn lọc tài liệu, phương pháp nghiên cứu và hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc thi”-Viễn chia sẻ. Dự án đầu tiên mà Viễn nghiên cứu là “Giải pháp dành cho trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng do biếng ăn tại tỉnh Gia Lai”, sản phẩm là cốm hỗ trợ cho trẻ suy dinh dưỡng. Với tính sáng tạo, sự độc đáo và khả năng ứng dụng cao, đề tài đã đạt giải nhất cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia tại cuộc thi khoa học kỹ thuật năm 2015. Bên cạnh đó, Viễn còn nghiên cứu xử lý rác thải nhựa để tham gia cuộc thi sáng tạo trẻ. Từ thành tích đó, Viễn vinh dự nhận được bằng khen “Công dân trẻ tiêu biểu năm 2015” và học bổng Ordon Vallet ngay sau đó. Mang theo kỳ vọng, niềm đam mê cùng hành trang đã được bồi đắp và rèn luyện từ mẹ, Viễn đã xuất sắc hoàn thành chương trình cử nhân tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam với ngành Medical Science and Technology và đang theo học thạc sĩ năm thứ 2 ngành Biopharmaceutical Sciences ở National Yang Ming University khi ở tuổi 22.

Em Lê Nhật Minh trình bày dự án tại cuộc thi sáng tạo sáng chế Quốc tế-iCan 2021ICan-2021. Ảnh: Phương Linh

Em Lê Nhật Minh trình bày dự án tại cuộc thi sáng tạo sáng chế Quốc tế-iCan 2021ICan-2021. Ảnh: Phương Linh

Tiếp nối thành tích của mẹ và anh trai, em Lê Nhật Minh (lớp 12C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) cũng sớm bộc lộ niềm đam mê nghiên cứu từ những năm còn là học sinh THCS. Năm lớp 9, Minh đã có giải pháp tham gia cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh và đạt giải ba. Lên lớp 10, Minh tiếp tục cùng các bạn triển khai nhiều đề tài có tính ứng dụng cao hơn. Không dừng lại ở đó, Minh còn chinh phục những giải thưởng cấp khu vực, quốc gia và quốc tế. Có thể kể đến Dự án “Nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ phức hệ nano đất hiếm-kháng thể” đã đạt giải nhất cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia và đạt huy chương vàng quốc tế tại cuộc thi Olympic phát minh và sáng chế thế giới năm 2020. Năm lớp 11, Minh tiếp tục chinh phục các cuộc thi để giành giải nhất cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia và giải đặc biệt tại cuộc thi Sáng tạo sáng chế Quốc tế-iCAN 2021 được tổ chức tại Canada từ nghiên cứu về chiết xuất hạt tiêu đen tại huyện Chư Sê để hỗ trợ điều trị ung thư.

“Có thể nhiều người nghĩ tôi tạo áp lực nghiên cứu khoa học lên cho các con nhưng thực tế không phải vậy. Tôi thường đưa học trò của mình về nhà để thảo luận, bàn bạc, làm các thí nghiệm và đi thực tế. Những lúc ấy, các con tôi vẫn thường theo dõi, tò mò và tự mình học hỏi, rút ra kinh nghiệm, dần dà đạt được nhiều kỹ năng và trở thành niềm đam mê”-Tiến sĩ Huệ tâm sự.

Cống hiến cho cộng đồng

Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ: “Điều mà tôi tự hào nhất không phải là giải thưởng mà chính là việc qua nghiên cứu khoa học, những học trò của tôi, các con tôi được đào tạo để trở thành con người toàn diện để từ đó tự tin hơn, thành công hơn ở tất cả các môi trường trong hiện tại và tương lai”.

Hầu hết công trình nghiên cứu của gia đình Tiến sĩ Huệ cùng với các học trò đều tạo ra sản phẩm và có thể trực tiếp ứng dụng, đem lại lợi ích cho cuộc sống. “Có lần, em theo mẹ đi nghiên cứu thực tế ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh. Thấy những bao tiêu khô chất đống vì giá rẻ, em chợt nghĩ, không biết các nước trên thế giới nhập khẩu hạt tiêu để làm gì ngoài việc làm gia vị? Từ đó, em ngày đêm nghiên cứu và biết rằng có thể dùng hạt tiêu đen để điều chế một số loại thuốc cho con người. Rồi em bắt đầu nghiên cứu sâu hơn, phát triển theo hướng mới với mong muốn góp phần nâng cao giá trị của hạt tiêu đen được trồng trên quê hương mình”-Minh chia sẻ. Đó cũng là lý do ra đời của dự án “Nghiên cứu hiệu quả ức chế hướng đích tế bào gốc ung thư từ phức hệ Nanopiperine-Kháng thể đơn dòng (PMC)”.

Em Lê Trí Viễn. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Em Lê Trí Viễn. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, tận dụng triệt để các loại phế phẩm nông nghiệp, Minh cùng bạn trong nhóm cũng đã chế tạo chế phẩm Far-Sup từ vỏ hạt điều và lá cây dã quỳ. “Cao chiết lấy từ vỏ thải hạt điều nếu kết hợp với cao chiết từ lá cây dã quỳ sẽ tạo ra một hỗn hợp có tác dụng chống lại bọ xít muỗi xanh hại cây điều. Phần bã thu được đem ủ phân hữu cơ (compost) sẽ tạo được phân hữu cơ sinh học bón cho cây. Với nghiên cứu này, em và các bạn đã xây dựng được một quy trình khép kín vòng tuần hoàn vật chất trong sản xuất điều, lấy những gì cây tạo ra mà con người không sử dụng để phục vụ lại chính nó”-Minh cho hay. Ngoài ra, cũng từ hạt mắc ca, Minh đã nghiên cứu, điều chế thành công chế phẩm có tác dụng hỗ trợ giảm cân cho phụ nữ. Không dừng lại ở các lĩnh vực sinh học, Tiến sĩ Huệ cùng Minh và các học trò còn chuyển hướng sang nghiên cứu lĩnh vực xã hội như hành vi liên quan đến dịch Covid-19. Trong đó, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến tâm lý của giới trẻ, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tự bảo vệ sức khỏe và tự tin phát triển năng lực bản thân trong tình hình đại dịch kéo dài với mong muốn kết quả đạt được sẽ hỗ trợ cộng đồng phòng dịch tốt hơn.

Nhằm tiếp tục đưa phong trào nghiên cứu khoa học của tỉnh có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, đầu năm 2020, Tiến sĩ Huệ đã được sự cho phép của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên. Viện ra đời với mong muốn tập hợp các nhà khoa học, đặc biệt là giới trẻ thực hiện các hoạt động nghiên cứu góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai. “Chúng tôi sẽ thực hiện chức năng tư vấn, đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với mục tiêu góp phần phát triển khoa học kỹ thuật cho tỉnh, đồng thời hỗ trợ cộng đồng ở nhiều lĩnh vực khác nhau về y tế, môi trường và giáo dục”-Tiến sĩ Huệ cho biết.

Nói về đồng nghiệp cùng 2 học trò Viễn và Minh, bà Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-tâm sự: “Cô Huệ là người có công rất lớn trong việc gầy dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh. Em Viễn và Minh cũng đã noi theo tấm gương của mẹ, tích cực tham gia nghiên cứu và đem về nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi từ cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế. Đó không chỉ là niềm tự hào mà còn góp phần khẳng định chất lượng dạy và học của nhà trường nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung với cộng đồng quốc tế”.

PHƯƠNG LINH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202202/gia-dinh-nha-giao-dam-me-khoa-hoc-5765332/