Gia đình văn hóa - Những 'viên gạch' dựng xây nông thôn mới
Gia đình (GĐ) là tế bào của xã hội, GĐ tốt thì xã hội mới tốt. Ý thức được điều này, nhiều GĐ nỗ lực dựng xây tổ ấm hạnh phúc, nuôi dạy con nên người và có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại địa phương.
Vì cộng đồng
Tìm đến nhà ông Phạm Bửu Bì, bà Nguyễn Thị Êm (ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An), từ ngoài ngõ, chúng tôi đã cảm nhận được niềm hạnh phúc trong ngôi nhà đầy ắp tiếng cười này. Bên chái bếp, ông Bì và bà Êm đang cùng nhau chuẩn bị bữa cơm chiều. Dù đã có bếp gas, bếp điện trong nhà nhưng ông bà vẫn giữ nguyên nét xưa với những bó củi, lá dừa được phơi ngay ngắn trên sân. Chào đón chúng tôi là nụ cười thân thiện, hiền lành của ông Bì và sự tiếp đãi nồng hậu của bà Êm. Nhấm ngụm trà, ông Bì kể về mối nhân duyên của ông bà được bắt đầu từ lời giới thiệu, mai mối của người thân.
Tuy cưới nhau theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhưng ông Bì chia sẻ, ông yêu vợ ngay từ lần đầu gặp gỡ bởi nét đằm thắm, dịu dàng và cả tài tề gia nội trợ khéo léo. Vốn sinh ra trong GĐ gia giáo ở xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ), từ nhỏ, bà Êm được học công - dung - ngôn - hạnh nên rất giỏi chuyện bếp núc, quán xuyến GĐ. Hơn 40 năm về làm dâu, làm vợ là những năm tháng hạnh phúc đối với bà.
Bao nhiêu năm gắn bó với ông Bì là bấy nhiêu năm bà Êm cố gắng vun vén xây dựng tổ ấm. Ông Bì cũng ra sức cùng bà nuôi dạy các con nên người và sống có ích cho xã hội. Ông bà có với nhau 4 người con, hiện tại đều có nghề nghiệp ổn định. Bốn cháu nội và 4 cháu ngoại lần lượt ra đời, gia đình thêm rộn tiếng cười mỗi khi sum họp.
Chia sẻ bí quyết để gìn giữ ấm êm dưới mái nhà chung, ông Bì cho biết: “Ông bà ta có câu “chén trong sóng còn khua”, vợ chồng tôi cũng không thể tránh khỏi những lúc mâu thuẫn. Tuy nhiên, chúng tôi nhắc nhở nhau luôn lấy chữ “nhẫn” để cư xử và dạy bảo con, cháu. Để giữ gìn hạnh phúc GĐ, ngoài tình yêu thương, sự hy sinh còn phải thấu hiểu, thông cảm và động viên nhau vượt qua khó khăn”.
Không chỉ là GĐ hòa thuận, hạnh phúc, GĐ ông Bì còn được người dân địa phương biết đến bởi sự gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực thực hiện các hoạt động vì cộng đồng. Đặc biệt, khi phong trào XDNTM được triển khai tại xã, GĐ ông tình nguyện hiến 30m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn.
“Trước đây, đường này nhỏ, hẹp, đi lại khó khăn nên khi địa phương có chủ trương mở rộng, GĐ tôi rất đồng tình và tự nguyện hiến đất để mở rộng đường từ 1,5m lên 3m, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Giờ đây, con, cháu về thăm ông bà, đi bằng ôtô cũng dễ dàng hơn” - ông Bì phấn khởi nói.
Tích cực đi đầu
Dẫn chúng tôi tham quan đường Cây Dương (đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp 6, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 6, xã Phước Tuy - Phan Văn Khoán phấn khởi cho biết, con đường này trước đây chỉ rộng 1m nhưng hiện nay được mở rộng 7m. Để đường Cây Dương được mở rộng, nhiều năm nay, ông Khoán tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng hiến đất. Nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của ông Khoán, người dân dần thay đổi suy nghĩ và ý thức được vai trò, trách nhiệm, tích cực đóng góp xây dựng quê hương.
Trong đó, nổi bật là GĐ ông Nguyễn Văn Sang, bà Huỳnh Thị Lẹ (ấp 6, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước), một trong những “hạt nhân” tích cực trong phong trào xây dựng GĐ văn hóa và đi đầu trong phong trào XDNTM của địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Sang cho biết: “Quyết định hiến đất là điều không dễ đối với bất cứ GĐ hay cá nhân nào bởi mỗi tấc đất là tài sản quý giá mà ông cha để lại cho thế hệ con, cháu gìn giữ, là những giọt mồ hôi lao động miệt mài gầy dựng nên. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của cộng đồng, để cho con, cháu đời sau mình hưởng, GĐ tôi tự nguyện hiến 175m2 đất để mở rộng đường mà không tính toán thiệt hơn và vận động người dân cùng tham gia”.
Ngoài cần cù chăm lo việc ruộng đồng, ông Sang và bà Lẹ còn nỗ lực xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi dạy con nên người và sống gần gũi với mọi người xung quanh. Trong 5 người con của ông bà, có 3 người làm giáo viên, hiện công tác, giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện Cần Đước.
Ông Sang tâm niệm: “Mỗi GĐ là một tế bào của xã hội, chính vì thế, điều trước tiên là phải xây dựng GĐ văn hóa, giáo dục con hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, anh chị em hòa thuận với nhau. Từ đó mới xây dựng được tinh thần "tương thân, tương ái" trong GĐ, dòng họ và cộng đồng dân cư”.
Với những nỗ lực trong xây dựng nếp sống văn minh, GĐ no ấm, hạnh phúc, nhiều năm liền, GĐ ông Sang đạt danh hiệu GĐ văn hóa. Năm 2023, GĐ ông Sang vinh dự được tham dự hội nghị biểu dương GĐ văn hóa tiêu biểu của huyện Cần Đước nhân Ngày GĐ Việt Nam 28/6.
Không chỉ giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, nhiều GĐ văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tham gia công tác xã hội, XDNTM tại địa phương. Sự quyết tâm, đồng thuận ấy sẽ giúp phong trào xây dựng GĐ văn hóa ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn, làm nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM trên địa bàn tỉnh./.