Gia đình Việt với sinh viên nước ngoài xa nhà
Học tập, sinh sống ở một đất nước xa lạ, nhưng các sinh viên Lào, Campuchia đã nhận được hơi ấm thân thương từ các gia đình cha - mẹ đỡ đầu Việt Nam. Trao đi tình yêu thương, các bậc cha mẹ người Việt cũng nhận lại nhiều tình cảm và kỉ niệm đẹp từ các con.
Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP HCM” có sự tham gia của 67 gia đình Việt tại TP HCM nhận đỡ đầu 97 sinh viên Lào, 14 sinh viên Campuchia. Chương trình được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM và tổ chức thành viên quan tâm triển khai có hiệu quả, góp phần tích cực củng cố, vun bồi tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia. Các hoạt động trong chương trình đã mang đến cho các sinh viên Lào, Campuchia trải nghiệm về nét văn hóa, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam nói chung và người dân TP HCM, góp phần vun bồi hiểu biết, tìm cảm với gia đình đỡ đầu người Việt, cũng như tình hữu nghị, đoàn kết với Nhân dân Việt Nam nói chung.
Năm nay, chương trình có nét mới là mời một số gia đình của các em sinh viên Lào và Campuchia sang Việt Nam, đến TP HCM để thăm tận nơi con mình học tập, sinh sống, thấy được cảnh sinh hoạt, sinh sống vui vẻ của con tại TP HCM để yên tâm hơn khi con học tập tại Việt Nam.
Trao và nhận thương yêu
Là một “người mẹ Việt Nam” nhận đỡ đầu 4 sinh viên Lào, Campuchia, bà Phùng Thị Thùy Vân cho biết, bà đã trải qua những ngày tháng rất hạnh phúc bên những người con đỡ đầu của mình. Bốn con đỡ đầu, có em học tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, em học Y khoa Nguyễn Tất Thành.
Bà Vân kể, các em rất ngoan ngoãn, đáng yêu. Trong khi bà trao cho các em trọn vẹn tình yêu một người mẹ, chăm sóc các em về tinh thần, nấu cho các con những bữa ăn ngon, kể cho các con nghe những câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam, đưa con đi đây đó khám phá thì về phần mình, các con đỡ đầu của bà cũng luôn lễ phép, vâng lời, giúp đỡ mẹ. Từ ngày nhận đỡ đầu các em, trong nhà lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười vui vẻ. “Tôi cảm thấy như mình được trẻ lại, trái tim rộng mở ra với tình thương bao la vậy”, bà Vân chia sẻ.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hằng quận 3, TP HCM nhận đỡ đầu một nữ sinh Lào sang Việt Nam học tập. Bà cho biết chính người con đỡ đầu cũng đem đến cho bà những niềm vui chưa từng có. Chồng bà Hằng mất sớm, bà ở vậy nuôi 2 con trai khôn lớn, các con đã có gia đình nhỏ của riêng mình. Trong thâm tâm, bà Hằng luôn mong muốn có một con gái nhỏ làm bầu bạn, thủ thỉ, chia sẻ vui buồn hằng ngày.
Năm 2023, bà Hằng nhận đỡ đầu nữ sinh người Lào Sithongchanh Phonethita và giấc mơ của bà dường như đã thành hiện thực. Cô con gái đỡ đầu xinh xắn, đáng yêu đã trở thành người bạn đồng hành của bà trong cuộc sống. Hai mẹ con đi du lịch cùng nhau, con gái cũng thường theo bà Hằng về quê, gặp gỡ bạn bè, các buổi họp mặt hưu trí, khu phố. Nơi đâu bà cũng tự hào khoe đây là “con gái” của mình, mọi người xung quanh cũng rất quý mến cô con gái đỡ đầu đáng yêu của bà Hằng, luôn miệng khen ngợi khiến bà cũng “tự hào lây”. “Tôi đã có những hành trình đầy niềm vui với con gái, những kỉ niệm rất ngọt ngào của tình mẫu tử. Nhận đỡ đầu con, tôi đã nhận lại được quá nhiều, cảm thấy may mắn và hạnh phúc vô cùng”, bà Hằng tâm sự.
Đó là cảm xúc của nhiều bậc cha, mẹ Việt đang nhận đỡ đầu những sinh viên Lào, Campuchia học tập, sinh sống tại Việt Nam trong chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP HCM”. Các em sang một đất nước khác học tập, về sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày còn nhiều bỡ ngỡ. Nhờ có những gia đình đỡ đầu với tình yêu thương ấm áp, các em đã có những ngày tháng học tập xứ người rất thuận lợi, vui vẻ và nhiều kỉ niệm đẹp.
Trải nghiệm sâu sắc về đất nước, con người Việt
Em Phengthomkham Lona người Lào chia sẻ: “Sau một thời gian ở Việt Nam, em thấy gia đình Việt Nam và gia đình Lào giống nhau, rất là tình cảm, yêu thương, đoàn kết với nhau. Em cảm thấy như đang sống ở nhà mình ở Lào vậy, không còn lo lắng hay bỡ ngỡ gì mà rất là thân thương”.
Còn Tanh Bunterm là sinh viên Campuchia đến TP HCM học tập tại Trường Đại học Nông lâm, Tanh Bunterm đang được một gia đình ở Thủ Đức nhận đỡ đầu. Tanh nói tiếng Việt sõi, từng là đại diện sinh viên phát biểu tại hội nghị triển khai thực hiện Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP HCM” vừa qua. Tanh cho biết, thời gian đầu sang Việt Nam, em cũng có nhiều lo lắng, gặp phải một số khó khăn. Nhưng nhờ được gia đình nhận đỡ đầu, em đã có cuộc sống tốt hơn nhiều. Ngôi nhà Việt Nam thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của Tanh. Nơi đây em đã nhận được trọn vẹn tình yêu thương, đúng nghĩa một mái ấm thực sự.
Không chỉ thế, Tanh chia sẻ, trong quá trình giao lưu với các bạn, nhiều bạn Lào, Campuchia cũng đã tâm sự với Tanh những niềm vui khi sống với gia đình đỡ đầu ở Việt Nam, được thương yêu như con cái trong nhà. Đặc biệt, các cha mẹ đỡ đầu luôn tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với mọi người xung quanh, học hỏi, tìm hiểu nhiều về ẩm thực, văn hóa Việt Nam. Các em đã có một cái Tết cổ truyền Việt Nam rất thú vị vừa qua. Những điều này khiến các em sinh viên xa xứ thêm hiểu, thêm yêu văn hóa Việt.
Manivong Nando, sinh viên Lào tại Việt Nam, con đỡ đầu của mẹ Nguyễn Thị Hằng ở quận 4, TP HCM bày tỏ: “Mới đầu em đăng kí chương trình cũng để thử tìm hiểu về Việt Nam, nhưng từ khi em sang đây đã được mẹ đỡ đầu chăm sóc cho chúng em rất nhiều. Em đã được ăn nhiều món Việt Nam mẹ nấu, mẹ cũng giúp em tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, tham gia các chương trình trong khu phố. Mẹ dẫn chúng em đi Bến Nhà Rồng, cho em được biết thêm nhiều thông tin hay về Bác Hồ và con đường đi tìm đường cứu nước của Bác. Giờ đây, em rất yêu người Việt và văn hóa Việt Nam, Việt Nam như quê hương thứ hai của chúng em vậy”.