Giá đỗ tẩm 'nước kẹo' độc hại như thế nào?
Chỉ trong vòng 10 tháng, 3.500 tấn giá đỗ từ 4 cơ sở tại thành phố Vinh (Nghệ An) đã được phân phối ra thị trường. Điều đáng lo ngại là loại thực phẩm phổ biến này đã bị phát hiện có sử dụng chất cấm, một loại dung dịch kích thích tăng trưởng không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Vụ việc nghiêm trọng này là lời cảnh báo về những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay.

Giá đỗ ngâm, tưới "nước kẹo" thân đều, mập, không có rễ hoặc rễ ngắn, màu trắng bóng.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, các cơ sở sản xuất này đã dùng một loại hóa chất có tên 6-Benzylaminopurine (6-BAP), còn được gọi là "nước kẹo". Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, được sử dụng trong nông nghiệp với mục đích bảo quản hoặc kích thích chồi non. Tuy nhiên, theo quy định, chất này không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, 6-Benzylaminopurine là chất kích thích tăng trưởng tế bào cho cây, giúp cây sinh trưởng, phát triển, ra nhánh, đâm chồi, tăng cường ra hoa và cho trái cây to hơn nhờ kích thích, phân chia tế bào.
Hiện tại ở Việt Nam, 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; cũng như không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Chất này không gây ngộ độc cấp tính như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn nhưng nó có tác dụng lâu dài trên cơ thể, đi vào các cơ quan sinh sản, kích thích sinh trưởng và qua thời gian sẽ làm cho sức khỏe của con người bị suy yếu và gây ra bệnh tật. Hơn thế, việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng gây ra nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn do còn lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm là nguyên nhân gián tiếp gây mất an toàn đối với sức khỏe.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu, Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội
“Hiện tại ở Việt Nam, hóa chất này không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; cũng như không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. 6-Benzylaminopurine không gây ngộ độc cấp tính như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn nhưng nó có tác dụng lâu dài trên cơ thể, đi vào các cơ quan sinh sản, kích thích sinh trưởng và qua thời gian sẽ làm cho sức khỏe của con người bị suy yếu và gây ra bệnh tật. Hơn thế, việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng gây ra nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn do còn lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm là nguyên nhân gián tiếp gây mất an toàn đối với sức khỏe”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu nhấn mạnh.
Thực tế, đây không phải là lần đầu các cơ quan chức năng phát hiện việc sử dụng Benzylaminopurine để làm giá đỗ với số lượng lớn. Cách đây không lâu, các vụ việc tương tự đã bị phát hiện tại một số tỉnh như: Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi,… Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, 6 cơ sở sản xuất đã đưa ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm 6-Benzylaminopurine; bình quân, mỗi ngày tiêu thụ khoảng từ 8-10 tấn.
Theo các chuyên gia, phần lớn người tiêu dùng không thể phân biệt được bằng mắt thường giữa giá đỗ an toàn và giá đỗ sử dụng hóa chất cấm. Tại các chợ dân sinh, nơi chiếm phần lớn lượng tiêu thụ thực phẩm tươi sống, người dân vẫn lựa chọn sản phẩm dựa trên hình thức, giá thành, mà thiếu chú ý đến các tiêu chí về nguồn gốc và kiểm nghiệm.
Bà Phạm Minh Hà (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Gia đình tôi sử dụng giá đỗ thường xuyên trong bữa ăn. Nghe thông tin này, tôi rất lo lắng vì không hề biết cách nhận biết sản phẩm nào là an toàn”.
Tại chợ đầu mối thành phố Vinh, nhiều tiểu thương ngỡ ngàng khi nghe tin loại giá đỗ họ từng bán bị phát hiện chứa hóa chất độc hại. Bà Nguyễn Lê Hương, một tiểu thương bán rau lâu năm chia sẻ: “Chúng tôi mua sỉ giá đỗ từ các đầu mối quen vì thấy giá họ bán buôn tốt, hình thức đẹp. Làm sao biết họ tưới hóa chất gì khi ngâm giá đỗ?”
Bạn đọc Nguyễn Minh Hải (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) bình luận: “Giá đỗ là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn phù hợp với mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ. Không ngờ hóa chất độc lại có thể len lỏi vào món ăn hằng ngày thông qua giá đỗ. Cơ quan chức năng cần xác minh và xử lý nghiêm hành vi ngâm tẩm giá đỗ bằng hóa chất độc hại”.

6-Benzylaminopurine là chất kích thích sinh trưởng, được phép dùng trong nông nghiệp. (Ảnh minh họa)
Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cho biết: “Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có 4 khung hình phạt của tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trong đó, mức thấp nhất sẽ phạt tiền 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1 năm đến 5 năm; mức cao nhất là bị phạt tù 12 năm đến 20 năm nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nhìn nhận từ góc độ quản lý Nhà nước, tại một cuộc họp báo do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức gần đây, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội, nêu ý kiến: “Vụ việc cho thấy một số bất cập trong hệ thống kiểm soát thực phẩm ở cấp cơ sở. Nếu có giám sát định kỳ tại chợ đầu mối, lấy mẫu kiểm nghiệm từ các tiểu thương hoặc tăng cường giám sát hàng nông sản lưu thông hằng ngày, đã có thể phát hiện sớm”.
Tiến sĩ Đỗ Ngọc Văn đề xuất: “Bên cạnh việc tăng cường giám sát của cơ quan chức năng, cần xây dựng hệ thống cảnh báo thực phẩm kịp thời và minh bạch, giúp người tiêu dùng có thông tin chính xác để lựa chọn”.
Sự việc 3.500 tấn giá đỗ sử dụng chất cấm tại Nghệ An đã phần nào phản ánh sự “bất lực” của cơ quan chức năng trong kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ dân sinh, nơi cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người dân mỗi ngày. Việc người tiêu dùng phải “đánh cược sức khỏe” của mình khi lựa chọn thực phẩm đã cho thấy sự thiếu vắng vai trò “người gác cửa” của cơ quan quản lý.
Bảo đảm an toàn thực phẩm không thể chỉ dựa vào sự tự giác, trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất. Đã đến lúc chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất và xử lý vi phạm. Có như vậy, bữa cơm của mỗi gia đình mới thực sự an toàn trên cơ sở loại bỏ những thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gia-do-tam-nuoc-keo-doc-hai-nhu-the-nao-post874016.html