Giá đồng COMEX tăng vọt, thị trường nông sản chìm sâu trong sắc đỏ
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), tâm lý giằng co tiếp diễn trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần qua (7-13/7). Đáng chú ý, trong khi nhóm kim loại dẫn dắt đà đi lên cho toàn thị trường thì ở chiều ngược lại nhóm nông sản lại đóng cửa trong sắc đỏ. Chốt tuần, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,3% so với tuần trước, đạt mức 2.229 điểm.

Tâm lý tích trữ đẩy giá đồng COMEX tăng mạnh
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá các mặt hàng kim loại. Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá đồng COMEX ghi nhận mức tăng trong tuần gần 11%, đạt 12.356 USD/tấn. Trong khi đó, giá đồng LME đánh mất hơn 2%, lùi về mức 9.661 USD/tấn
Theo ghi nhận của MXV, kể từ cuối tháng 2 đầu năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo Bộ Thương mại mở một cuộc điều tra về nhập khẩu đồng vì lý do an ninh quốc gia thì làn sóng tích trữ đã diễn ra mạnh mẽ tại Mỹ. Giá đồng COMEX đã thiết lập nhiều chuỗi tăng và mốc cao kỷ lục. Mới nhất, ngày 9/7, ông Trump bất ngờ công bố sẽ áp thuế 50% đối với toàn bộ đồng nhập khẩu kể từ ngày 1/8 càng khiến cho giá mặt hàng đồng trở nên đắt đỏ.

Mỹ nhập khẩu gần một nửa lượng đồng - kim loại được sử dụng phổ biến trong máy móc, đồ điện tử, hàng gia dụng, cho tới xây dựng - mà nước này tiêu thụ.
Trước đó, hôm thứ Ba (8/7), giá đồng ở Mỹ tăng 13%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ năm 1989, đóng cửa ở mức kỷ lục 12.445 USD/tấn. Trong khi đó, giá đồng trên sàn LME ở London chỉ tăng 0,3%.
Chênh lệch giá đồng trên sàn COMEX so với giá đồng ở LME trong phiên giao dịch thứ Sáu (11/7) lên tới 26,7%, tương đương hơn 2.600 USD/tấn.
Theo dự báo của công ty Benchmark Mineral Intelligence, đến tháng 8 năm nay, khi thuế quan 50% của Mỹ đối với đồng có hiệu lực, người tiêu dùng ở Mỹ có thể sẽ phải mua đồng với giá 15.000 USD/tấn, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ phải trả mức giá 10.000 USD mỗi tấn đồng.
Ở chiều ngược lại, nhu cầu đồng tại Mỹ vẫn còn chịu sức ép từ môi trường lãi suất cao và hoạt động sản xuất liên tục thu hẹp từ tháng 3. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã duy trì mức lãi suất cao trong khoảng 4,25-4,5% kể từ tháng 12/2024 đến nay khiến đồng USD mạnh lên, đồng trở nên đắt hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài khiến kìm hãm nhu cầu mua, từ đó gây áp lực lên giá. Bên cạnh đó, tháng 6 vừa qua, chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đạt 49 điểm, tiếp tục ghi nhận tháng suy giảm thứ tư liên tiếp, phản ánh sự thu hẹp kéo dài của hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Điều này góp phần cản đà tăng của giá đồng.
Về phía Việt Nam, theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong năm 2024, nước ta chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 14,7 tấn đồng phế liệu và 42,8 tấn đồng tinh luyện. Lượng xuất khẩu này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồng của Việt Nam, cho thấy mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ là không đáng kể. Do đó, mức thuế cao mà Mỹ vừa công bố nhiều khả năng sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu đồng của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuần giao dịch vừa qua chứng kiến lực bán áp đảo trên thị trường nông sản khi toàn bộ 7 mặt hàng trong nhóm này đồng loạt suy yếu. Trong đó, giá ngô giảm tới 5,7% so với cuối tuần trước về mức 155,9 USD/tấn.
Theo MXV, triển vọng nguồn cung dồi dào trong khi những tác động từ các chính sách thuế quan khiến nhu cầu thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn đã khiến giá mặt hàng này giảm mạnh trong tuần vừa qua.