Dân số lão hóa đe dọa tăng trưởng thu nhập ở nhiều quốc gia

Với sự gia tăng của tuổi thọ, tỷ lệ giữa những người đã qua độ tuổi lao động so với những người từ 20-64 tuổi trong OECD có thể sẽ tăng vọt lên 52% vào năm 2060 từ mức 31% vào năm 2023...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thu nhập ở các nước giàu sẽ tăng trưởng chậm lại nhiều khi dân số của các quốc gia này già đi trong những thập kỷ tới, trừ phi các chính phủ thuyết phục được phụ nữ, người cao tuổi và người di cư tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết trong một báo cáo công bố tuần vừa rồi.

Theo OECD, do tỷ lệ sinh ngày càng giảm, đến năm 2060, số người trong độ tuổi lao động tại 38 quốc gia thành viên của tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp này sẽ giảm 8% so với hiện nay. Tại 1/4 số nước thành viên OECD, mức giảm sẽ là hơn 30%.

Với sự gia tăng của tuổi thọ, tỷ lệ giữa những người đã qua độ tuổi lao động so với những người từ 20-64 tuổi trong OECD có thể sẽ tăng vọt lên 52% vào năm 2060 từ mức 31% vào năm 2023. Tại Italy, Nhật Bản, Ba Lan, Tây Ban Nha và Hàn Quốc, tỷ lệ này được dự báo sẽ vượt mức 75%. Sản lượng kinh tế bình quân đầu người - một yếu tố chính quyết định thu nhập - sẽ tăng trưởng chậm hơn, vì lực lượng lao động sẽ chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn trong tổng dân số.

“Tác động của dân số già hóa đang đe dọa động lực chủ chốt của tăng trưởng kinh tế, vốn phụ thuộc vào nguồn nhân lực để tạo ra sản lượng” - ông Stefano Scarpetta, Giám đốc phục trách vấn đề việc làm của OECD, nhận định. “Nền kinh tế đã bước vào một thời kỳ mới, trong đó thách thức dịch chuyển từ tình trạng thiếu việc làm sang tình trạng thiếu hụt lao động”.

OECD ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người - thước đo sản lượng kinh tế bình quân đầu người - trong khối này sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm chỉ 0,6% trong những năm từ nay đến 2060, giảm so với mức tăng 1% ghi nhận trong thập kỷ trước năm 2020.

Mỹ và Ireland được cho sẽ là những ngoại lệ, với GDP bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng với tốc độ không đổi, còn Đan Mạch, Pháp và Bồ Đào Nha sẽ chỉ chứng kiến sự giảm tốc nhẹ. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Mỹ được duy trì ngay cả khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động ở nước này đã giảm trong những thập kỷ gần đây.

Theo OECD, nguy cơ suy giảm thu nhập tại các quốc gia trong khối có thể tránh được nếu có nhiều phụ nữ, người cao tuổi và người di cư tham gia lực lượng lao động hơn. Nghiên cứu của OECD ước tính rằng nếu tất cả các quốc gia trong khối đều có thể duy trì việc làm cho người cao tuổi lâu như các nền kinh tế hàng đầu, thì tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người có thể được nâng lên 0,2 điểm phần trăm ở một nửa số quốc gia thành viên. Việc đưa thêm phụ nữ vào lực lượng lao động cũng sẽ có tác động tương tự, trong khi việc tăng tỷ lệ nhập cư cũng sẽ làm tăng trưởng thu nhập mạnh lên, mặc dù ở mức độ nhỏ hơn.

Báo cáo của OECD cũng lưu ý rằng việc cắt giảm lượng người nhập cư như ở Mỹ và một số quốc gia khác đang hướng tới sẽ khiến việc tăng thu nhập trở nên khó khăn hơn.

Ông Stephane Carcillo - trưởng bộ phận nghiên cứu việc làm và thu nhập tại OECD - phát biểu: “Lao động nhập cư đã và đang đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Mỹ. Việc chuyển sang chính sách hạn chế nhập cư có thể làm giảm tăng trưởng GDP bình quân đầu người trung bình khoảng 0,1 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến năm 2060”.

Một số chính phủ trong OECD đã đưa ra các chính sách khuyến khích sinh đẻ, bao gồm cả việc giảm thuế cho các bà mẹ như ở Hungary, với mức giảm thuế tăng theo số con. Tuy nhiên, những ưu đãi này khó có thể giải quyết tất cả vấn đề, và OECD cho rằng đã quá muộn để các chương trình khuyến khích sinh đẻ có thể tác động tích cực đến tăng trưởng thu nhập trong 25 năm tới.

“Ngay cả những chính sách tốt nhất cũng không thể đưa tỷ lệ sinh trở lại mức sinh thay thế trong khoảng thời gian đó. Nếu những chính sách đó hành công, cũng phải mất ít nhất 20-25 năm nữa để tỷ lệ sinh tăng lên hiện nay dẫn tới dân số trong độ tuổi lao động đông hơn”, báo cáo viết.

OECD cũng tỏ ra hoài nghi về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc bù đắp sự suy giảm số lượng lao động, cho rằng không có giải pháp nào có thể hoàn toàn thay thế con người.

“Một số người cho rằng thách thức nhân khẩu học sẽ được giải quyết bằng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Mặc dù AI có thể cải thiện năng suất, nhưng đó không phải là giải pháp thay thế hay ‘cây đũa thần’ để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động con người”, ông Scarpetta nói.

OECD cảnh báo rằng ngoài tăng trưởng kinh tế chậm lại, việc không kéo dài tuổi lao động và né tránh tuyển dụng lao động nữ và lao động nhập cư sẽ “gây ra những vấn đề nghiêm trọng về công bằng” vì lao động trẻ sẽ phải làm việc nhiều hơn và đóng thuế cao hơn để duy trì mức sống cho thế hệ lớn tuổi hơn.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dan-so-lao-hoa-de-doa-tang-truong-thu-nhap-o-nhieu-quoc-gia.htm