Giá đường tăng, nguy cơ găm hàng đẩy giá

Giá đường trên thế giới đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua. Trong nước giá bán đường của các nhà máy sản xuất đường trong quý II cũng đã tăng 10% so với quý I, ở mức bình quân 20.000 đồng/kg đối với đường tinh luyện.

Thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Thu Huyền.

Thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Thu Huyền.

Giá đường tăng vọt

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSE), vào giữa tháng 8/2023, cường quốc mía đường là Ấn Độ đưa ra thông tin dự định sẽ cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024, bắt đầu từ tháng 10/2023. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ có lệnh tạm dừng xuất khẩu đường trong vòng 7 năm qua. Giá đường thế giới đang tăng khá mạnh, khiến giá đường trong nước tăng theo, hiếm năm nào ngành mía đường Việt Nam đạt được lợi nhuận cao như năm nay. Vẫn theo VSSE, vào đầu tháng 8/2023, giá đường trong nước đã đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối tháng 8, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.

Một khảo sát mới nhất từ nhu cầu tiêu thụ đường của 40 DN chế biến đồ uống, nước giải khát trong nước của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ đường của các DN này sẽ tăng lên.

Kết quả khảo sát từ 40 DN lớn tại Việt Nam về nhu cầu tiêu thụ đường trong năm 2023 cho biết, ước tính nhu cầu đường của các DN này sẽ tăng thêm 60 nghìn tấn so với năm 2022 và đạt khoảng 382,66 nghìn tấn, trong đó đường RE chiếm 77,5% (tương đương 296,68 nghìn tấn). Trái ngược với sự tăng chóng mặt về nhu cầu tiêu dùng đường trong nước, diện tích trồng mía đã liên tục giảm mạnh trong những năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích trồng mía cả nước năm 2022 chỉ còn 165,9 nghìn ha, giảm 48,2% so với năm 2002. Số hộ trồng mía cũng giảm một nửa, xuống chỉ còn 126 nghìn hộ. Trong khi đó, nhiều nhà máy đường đã sát nhập, giải thể; từ 39 nhà máy dường năm 2011 đã giảm chỉ còn 24 nhà máy vào năm 2022.

Có hiện tượng “té nước theo mưa”

Trước thực trạng giá đường tăng cao, mới đây, ngành thực phẩm có công văn gửi Bộ Công thương kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của DN; đồng thời đề xuất hàng năm Bộ Công thương thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan vào tháng 9, với lượng tối thiểu theo cam kết WTO là 119.000 tấn.

Mới đây VSSE cũng đã có văn bản nêu rõ, diễn biến thị trường cho thấy, bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị. Trong khi vụ ép năm 2022-2023, ngành đường đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận bao gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc. VSSA cho rằng, mức giá mía đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Từ thực tế này VSSE kiến nghị Bộ Công thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.

Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, DN sản xuất đường, các DN tiêu thụ đường và người tiêu dùng, VSSE báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023 trước khi vào vụ ép 2023-2024.

Hiện nay ngành đường đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía năm 2023-2024, và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía - đường. Do vậy, VSSE khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng, giữ giá bán hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, không để giá đường tăng thêm nữa, tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.

Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, VSSE sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó, trong đó kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.

Trước thực trạng nhu cầu tiêu dùng đường ngày càng tăng, nguy cơ thiếu nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp được khảo sát cũng đưa ra rất nhiều các đề xuất. Trong đó, 70% cho rằng cần phải ổn định vùng trồng mía trong nước để tăng sản lượng, 30% cho rằng cần phải gỡ bỏ bảo hộ ngành đường để tăng năng lực cạnh tranh, 65% cho rằng cần phải tăng hạn ngạch nhập khẩu và xem xét lại thuế nhập khẩu, 30% cho rằng cần phải tăng nhập khẩu chính ngạch với thuế ưu đãi để giảm nhập lậu từ đó ổn định giá đường trong nước.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-duong-tang-nguy-co-gam-hang-day-gia-5727552.html