Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại và những tín hiệu vui

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay đã bật tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm sâu. Điều này một phần bắt nguồn từ cục diện thị trường có lợi cho gạo Việt Nam.

Giá gạo dứt đà giảm

Theo Công Thương, sau các phiên điều chỉnh giảm liên tục, theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu các nước đã chững lại trong phiên giao dịch ngày 5/3, riêng gạo Việt Nam điều chỉnh tăng nhẹ.

Cụ thể, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam hiện dao động ở mức 579-583 USD/tấn (tăng 1 USD); gạo 25% tấm dao động ở mốc 557-561 USD/tấn (tăng 2 USD) và gạo 100% tấm dao động quanh mốc 478-482 USD/tấn.

Giá gạo của Thái Lan và Pakistan không biến động. Theo đó, gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 613 USD/tấn, còn gạo cùng phẩm cấp của Pakistan là 599 USD/tấn.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản xuất gạo thế giới không tăng, một phần do tác động từ việc El Nino gây thời tiết khô hạn ở những nước sản xuất gạo chủ chốt ở châu Á.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay đã bật tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm sâu. Ảnh minh họa từ internet

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay đã bật tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm sâu. Ảnh minh họa từ internet

Cụ thể, USDA ước tính nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023/2024 đạt con số 690 triệu tấn, thấp hơn đến 6,2 triệu tấn so với năm trước.

Trong khi đó, tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023/2024 dự kiến ở mức 167,2 triệu tấn - thấp hơn 9,2 triệu tấn so với một năm trước. Mức giảm tồn kho được ghi nhận ở các quốc gia như Trung Quốc, Nigeria, Pakistan, Philippines, Mỹ. Trong đó Trung Quốc giảm 6,4 triệu tấn tương đương 5%, xuống còn 101,4 triệu tấn; Ấn Độ lượng tồn kho giảm 6% xuống chỉ còn 33 triệu tấn.

Trong một diễn biến khác, giá gạo ở các nước nhập khẩu như Indonesia, Philippines đã tăng kỷ lục. Tại Indonesia giá gạo chất lượng trung bình ở Jakarta vào ngày 24/2/2024 là 14.860 Rp/kg, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua giá trần quy định của Chính phủ. Còn ở Philippines, giá bán buôn gạo xát vừa trung bình tháng 1/2024 ở mức 46,60 peso/kg, tăng 1,7% so với mức 45,83 peso/kg của tháng 12. Hay như tại Nigeria, giá gạo đã tăng 98,47% trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2023 đến tháng 1/2024…

Theo các chuyên gia, cục diện thị trường nói trên vẫn theo hướng có lợi cho gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu.

Tín hiệu vui từ xuất khẩu gạo

Theo VTV, lượng gạo tồn kho thấp, nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường có xu hướng tăng. Điều này đang mở ra cơ hội lớn cho ngành lúa gạo nước ta. Bên cạnh đó, tin vui là giá lúa ở ĐBSCL đã tăng trở lại, khiến bà con nông dân phấn khởi.

ĐBSCL đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân. 1 tuần nay, giá lúa tiếp tục tăng nhẹ. Giá tăng cộng thêm trúng mùa, năng suất đạt mỗi ha hơn 10 tấn nên phần đông nhà nông đang phấn khởi.

"Nói lời nhiều thì không lời nhiều nhưng nhờ năng suất lên cao nên năm nay mình thu hoạch được hàng tấn", bà Nguyễn Thị Bé Năm - xã Tân Phú, Tam Bình, Vĩnh Long chia sẻ.

Niềm lạc quan của ngành hàng lúa gạo Việt Nam càng lớn khi Indonesia - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam vừa tăng chỉ tiêu nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, nâng quota nhập khẩu gạo nước ta trong năm 2024 lên 3,6 triệu tấn.

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết: "Thị trường Indonesia nếu mở như vậy, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam ổn định và cũng có nhiều khách hàng để đàm phán có giá được tốt hơn".

Hiện tại, doanh nghiệp đã có nhiều đơn hàng tiềm năng chuẩn bị cung ứng với giá cao hơn cả trăm USD/1 tấn so với cùng kỳ năm qua. Các doanh nghiệp đang sẵn sàng tư thế đón bắt cơ hội xuất khẩu đầy triển vọng.

Dưới tác động ảnh hưởng bởi El Nino và biến đổi khí hậu, nguồn cung về lương thực trên thế giới ngày càng khan hiếm. Ấn Độ chưa xuất khẩu gạo trở lại, Thái Lan cũng giảm lượng gạo xuất ra bên ngoài. Nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế ngành hàng lúa gạo, ổn định thế mạnh nông nghiệp đặc thù vùng châu thổ Cửu Long.

Để tận dụng hết cơ hội, theo Bộ Công Thương các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi nắm chắc thông tin, đảm bảo tốt nguồn hàng để đạt được mục tiêu xuất khẩu cao nhất trong năm 2024.

Đào Vũ (T/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/gia-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-tang-tro-lai-va-nhung-tin-hieu-vui-a652780.html