Gia hạn, giảm thuế giúp tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS.TS Phạm Ngọc Dũng - nguyên Trưởng Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính) cho rằng, cần phối hợp chính sách tài khóa chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong điều hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chính sách tài khóa vẫn sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Trong đó, việc gia hạn, giảm thuế có tác dụng tích cực trong hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ vừa tiếp tục ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh tư liệu

Chính phủ vừa tiếp tục ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh tư liệu

PV: Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng tích cực, trong đó có sự hỗ trợ hiệu quả của chính sách tài khóa, đặc biệt là các chính sách giảm thuế giúp người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Ông đánh giá thế nào về các chính sách tài khóa trong hỗ trợ tăng trưởng?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Bước sang năm 2024, tình hình thế giới hầu như ít thay đổi, thậm chí căng thẳng xung đột tại Ukraine, Trung Đông còn bị đẩy lên cao, trong nước các doanh nghiệp gặp khó về tiếp cận thị trường, đơn hàng thiếu, người lao động thiếu việc làm… Mặc dù vậy, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm tích cực: Tăng trưởng GDP đạt 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024; giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Tính chung 6 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,6 tỷ USD, là mức xuất siêu khá tích cực và là năm thứ hai đạt giá trị xuất siêu lớn trong giai đoạn 2020-2024…

Có thể nói, đạt được kết quả khả quan kể trên, phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng trong điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ và Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính phủ và Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội ban hành đồng bộ, kịp thời nhiều chính sách, giải pháp, như: tiếp tục miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN khác nhằm giảm bớt khó khăn, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 khoảng gần 39 nghìn tỷ đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với doanh nghiệp và người dân trong lúc khó khăn, là minh chứng hiệu quả của việc giảm thuế trong điều hành chính sách tài khóa, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi để đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm.

PV: Chính phủ vừa tiếp tục ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2024; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng… Theo ông, những chính sách này sẽ hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2024 ra sao?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Tôi cho rằng, các chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất tiếp tục được ban hành giúp người dân, doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn về dòng tiền do tạm thời chưa phải nộp thuế, gia tăng quy mô vốn để đầu tư, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với người dân, việc gia hạn nộp thuế thu nhập cá nhân tạo điều kiện cho người dân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và sản xuất, tăng quy mô tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp, góp phần tăng tổng cầu.

Đặc biệt, chính sách giảm 2% thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Đây chính là điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng, tiêu thụ hàng hóa hóa nhiều hơn. Trên cơ sở đó kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa lớn khi cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là một trong 3 động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

PV: Để chính sách tài khóa tiếp tục phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra, cần phối hợp thêm những chính sách nào, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Trước hết cần phối hợp với chính sách tiền tệ trong điều hành chính sách tài khóa, bởi vì đây là bộ đôi cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm phát huy hiệu quả của cả 2 chính sách, tránh tác động tiêu cực triệt tiêu hiệu quả của nhau.

Tuy nhiên, trong thực tế, dư địa của chính sách tiền tệ hiện nay không còn nhiều, cần phải sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ: Lãi suất, hạn mức tín dụng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu, công cụ thị trường mở để ổn định giá trị Đồng Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, chính sách tài khóa với các công cụ: chi NSNN, thuế, bội chi NSNN vẫn sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Việc giảm thuế, phí sẽ làm giảm nguồn thu NSNN trong hiện tại, nhưng sẽ có tác dụng tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy khôi phục và mở rộng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế cho dân sẽ khoan sức dân, cải thiện đời sống, tăng chi tiêu cho sản xuất và tiêu dùng, qua đó góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó, thực hiện cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, tinh giảm biên chế để tiết kiệm chi; cải cách tiền lương để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, viên chức nhà nước, có mức lương hợp lý để giữ chân những người có trình độ năng lực trong bộ máy công quyền, các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; giữ các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới để thúc đẩy xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân hiệu quả…

PV: Xin cảm ơn ông!

Bộ Tài chính chủ động đề xuất các chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Dũng, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã rất tích cực, chủ động và sáng tạo trong nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp trong xây dựng và thực thi chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, các chính sách, giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân đã tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống, giúp doanh nghiệp phục hồi, đời sống người dân được cải thiện.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2020 đến nay, kết quả hỗ trợ của chính sách trên cho doanh nghiệp và người dân đã lên tới 700 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, Bộ Tài chính vẫn quyết liệt triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ trên, nhờ vậy, cộng đồng doanh nghiệp đang dần lấy lại đà phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đã được thể hiện cụ thể qua những con số 6 tháng đầu năm 20024./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gia-han-giam-thue-giup-tang-tong-cau-thuc-day-tang-truong-154636-154636.html