Gia hạn Hiệp ước New START: Nhiều khác biệt

Giới chức Mỹ và Nga đã đưa ra những quan điểm đầy khác biệt sau khi hoàn tất vòng đàm phán cuối cùng nhằm gia hạn một hiệp ước hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà họ được sở hữu và cho phép họ kiểm soát kho vũ khí của nhau.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của Nga trong một cuộc diễu binh. (Nguồn: AFP).

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của Nga trong một cuộc diễu binh. (Nguồn: AFP).

Bất đồng quan điểm

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ trang, ông Marshall Billingslea hôm 14/10 đã tuyên bố tại một sự kiện của Tổ chức Heritage rằng ông cùng đội ngũ của ông tin rằng có một thỏa thuận về nguyên tắc giữa giới chức cấp cao nhất trong Chính phủ hai nước” về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) “trong một khoảng thời gian”.

Được biết, hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 22/2/2021, một diễn biến sẽ khiến các lực lượng hạt nhân của Washington và Moscow không còn chịu hạn chế nào lần đầu tiên trong vòng gần nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đưa ra tranh luận rằng thỏa thuận trên đã đạt được, nhưng thêm rằng trên thực tế quan điểm của hai nước vẫn chưa đồng nhất.

“Từ lâu chúng tôi đã hiểu rõ về quan điểm đóng băng (kho vũ khí) của phía Mỹ, và điều này đối với chúng tôi là không thể chấp nhận được. Chúng tôi cần phải đối phó với những vấn đề ổn định chiến lược: Chúng tôi cần giải quyết vấn đề các phương tiện phóng, không gian, phòng thủ tên lửa – hệ thống mà Mỹ đang chế tạo”, ông Ryabkov nói.

Theo Thứ trưởng Ryabkov, việc Mỹ đề nghị Nga giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân như một phần của thỏa thuận gia hạn là “không thể chấp nhận được”. Ông Ryabkov cũng nói rằng Mỹ sẽ không nhận được từ Nga bất cứ thỏa thuận nào về vũ khí tấn công chiến lược trùng với thời điểm kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ.

“Nếu người Mỹ cần có báo cáo về một thứ gì đó về việc họ đạt thỏa thuận với Liên bang Nga ngay trước kỳ bầu cử, vậy thì họ sẽ không nhận được nó”, ông Ryabkov nói.

Mỹ và Nga vốn đã bất đồng về vấn đề kiểm soát vũ trang trong những năm gần đây, và tranh cãi bùng phát căng thẳng đã dẫn tới sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) ký năm 1987 vào năm ngoái. Đây là thỏa thuận cấm triển khai các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 – 5.500 km.

Washington đã cáo buộc Moscow ngấm ngầm chế tạo một loại vũ khí có tên Novator 9M729, cho rằng nó vi phạm các lệnh hạn chế. Giới chức Nga bác bỏ điều này và cho rằng Lầu Năm Góc đã vi phạm INF ở khu vực Đông Âu khi duy trì các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung có sử dụng trang thiết bị của các hệ thống tấn công.

Đối với New START, Mỹ đang thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện hơn trong đó bao trùm nhiều loại hệ thống vũ khí khác nhau và có sự tham gia của nhiều nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cho rằng kho hạt nhân của họ nhỏ hơn 2 Nga và Mỹ, bởi vậy không phù hợp khi tham gia hiệp ước kiểm soát vũ trang như vậy.

Tranh cãi gay gắt

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn thúc giục Bắc Kinh tham gia đàm phán hiệp ước này, và một cuộc tranh luận gay gắt đã bùng phát trên mạng xã hội trong tháng 7 năm nay.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek về việc Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản không triển khai các tên lửa tầm trung, ông Billingslea đã lên tiếng chỉ trích cả Moscow và Bắc Kinh.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Kiểm soát vũ trang Marshall Billingslea.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Kiểm soát vũ trang Marshall Billingslea.

“Trung Quốc nên thảo luận với Nga, bên đã hủy hoại Hiệp ước INF, triển khai nhiều tên lửa tầm trung 9M729. Chúng được triển khai ở đâu? Và chúng nhằm vào bên nào? Hãy tham gia vào các vòng đàm phán ở Vienna (Áo), và đưa ra câu trả lời!”, ông Billingslea nói.

Bình luận của ông Billingslea lập tức vấp phải phản ứng của Phó Đại sứ Nga tại LHQ, ông Dmitry Polyanskiy.

“Đây là cách để mời tham gia đàm phán thông qua những thông tin sai lệch! Chúng ta đều biết rằng chính Mỹ, chứ không phải Nga, đã hủy INF. Trung Quốc không có ảo tưởng về điều đó” - ông Polyanskiy viết trên Twitter.

Ông Polyanskiy cũng phản ứng trước một sự việc xảy ra trên mạng xã hội trước đó, trong đó ông Billingslea đăng tải một bức ảnh cho thấy một hàng ghế trống không cùng một chiếc bàn có quốc kỳ Trung Quốc bên trên, và nói rằng Bắc Kinh không xuất hiện trong vòng đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Moscow và Washington.

Tờ Kommersant của Nga dẫn một số nguồn tin ngoại giao nói rằng giới chức nước này đã yêu cầu không đặt quốc kỳ Trung Quốc trên bàn và cho rằng bức ảnh trên được chụp trước khi các vòng đàm phán bắt đầu.

Ông Fu Cong, Tổng Giám đốc bộ phận Kiểm soát Vũ trang thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng về sự việc này. “Đây là một hình ảnh kỳ cục! Đưa quốc kỳ Trung Quốc lên một bàn đàm phán mà không được sự chấp nhận của Trung Quốc! Chúc may mắn với việc gia hạn New START!” - ông Fu Cong viết trên Twitter.

Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng ý. Trước đó, phía Mỹ nhiều lần khẳng định sẵn sàng gia hạn hiệp ước New START với Nga dù trong ngắn hạn, nhưng với một số điều kiện đi kèm. Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin rằng các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gia-han-hiep-uoc-new-start-nhieu-khac-biet-520457.html