Gia hạn nộp bản trả lời câu hỏi vụ rà soát cuối kỳ chống bán phá giá bột ngọt
Bộ Công Thương vừa thông báo gia hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra vụ rà soát cuối kỳ áp dụng chống bán phá giá sản phẩm bột ngọt.
Cụ thể, ngày 10/9/2024, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương đã ban hành thông báo gia hạn thời gian nộp bản trả lời câu hỏi điều tra dành cho nhà sản xuất hoặc xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt xuất xứ từ Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: ER01.AD09).
Trước đó, ngày 2/8/2024, Cục Phòng vệ thương mại đã có Thông báo số 100/TB-PVTM về việc ban hành bản câu hỏi điều tra chính thức dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc ER01.AD09. Theo đó, thời hạn trả lời bản câu hỏi là 17 giờ ngày 10/9/2024 (theo giờ Hà Nội).
Trong thời gian chuẩn bị bản trả lời bản câu hỏi điều tra, các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài là bên liên quan của vụ việc đã gửi công văn về Cục Phòng vệ thương mại để xin gia hạn thời hạn trả lời Bản câu hỏi do số lượng dữ liệu cần cung cấp rất lớn, do đó các công ty cần thêm thời gian để thu thập và chuẩn bị dữ liệu liên quan đầy đủ, chính xác.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trả lời bản câu hỏi, đảm bảo tính khách quan, công bằng giữa các bên liên quan nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho việc đánh giá vụ việc; căn cứ khoản 2, Điều 57 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cơ quan điều tra có Thông báo số 125/TB-PVTM ngày 10/9/2024 về việc gia hạn thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài trong vụ việc ER01.AD09 thêm 30 ngày, tức là đến 17 giờ ngày 10/10/2024 (giờ Hà Nội). Sau thời hạn này, Cơ quan điều tra có thể sử dụng các dữ liệu sẵn có theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.
Đối với các nội dung khác, Bộ Công Thương đề nghị các công ty thực hiện theo hướng dẫn trong bản câu hỏi điều tra chính thức được ban hành theo Thông báo số 100/TB-PVTM ngày 2/8/2024 của Cơ quan điều tra.
Trước đó, cuối tháng 7/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1947 về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt xuất xứ từ Indonesia, Trung Quốc.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra vụ việc rà soát từ tháng 6/2023 trên cơ sở đề nghị của nhóm Công ty Fufeng của Trung Quốc nộp vào tháng 8/2022. Đến ngày 5/1/2024, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định 22/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Indonesia. Kết luận điều tra cho thấy có sự thay đổi về mức độ bán phá giá của nhóm Công ty Fufeng từ Trung Quốc đề nghị rà soát.
Từ tháng 7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức với sản phẩm bột ngọt từ Indonesia và Trung Quốc và tiếp tục áp mức thuế này từ tháng 4/2022. Cụ thể, bột ngọt bị áp thuế chống bán phá giá theo quyết định của Bộ Công Thương là những sản phẩm được sử dụng trong chế biến thực phẩm, nấu ăn, bột ngọt được người tiêu dùng trực tiếp sử dụng trong việc chế biến thức ăn.
Sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gia vị khác, các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, nước chấm, nước xốt, mì gói…
Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Indonesia là trên 5,2 triệu đồng/tấn.
Với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho từng tổ chức, cá nhân là 6,3 triệu đồng/tấn; trong khi với các tổ chức, cá nhân tại Hồng Kông (Trung Quốc), mức thuế dao động thấp nhất là 3,4 triệu đồng/tấn và cao nhất là trên 5 triệu đồng/tấn.