Giá heo hơi ngày 18/7/2025: Đồng giảm mạnh trên cả nước

Trong ngày 18/7/2025, giá heo hơi tiếp tục lao dốc mạnh tại hầu hết các khu vực, trong bối cảnh xu thế giảm sâu vẫn đang tiếp diễn trên toàn thị trường.

Miền Bắc: Giá giảm diện rộng, chưa thấy tín hiệu hồi phục

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Vào ngày 18/7, mặt bằng giá heo hơi tại khu vực miền Bắc tiếp tục điều chỉnh giảm, kéo dài đợt giảm đã bắt đầu từ đầu tuần.

Bản đồ giá heo cho thấy nhiều địa phương xuất hiện sắc xanh cùng mũi tên đỏ – phản ánh tình trạng giá bán suy yếu và áp lực bán tăng cao.

Cụ thể, 9 tỉnh ở miền Bắc chứng kiến giá giảm rõ rệt, trong đó có một số điểm đáng chú ý: Điện Biên giảm sâu 2.000 đồng/kg, xuống mức 63.000 đồng/kg – thấp nhất khu vực. Tại Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng và Ninh Bình, mức giảm dao động từ 1.000 – 1.500 đồng/kg. Riêng Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Phú Thọ vẫn giữ ở mức 65.000 đồng/kg, chưa ghi nhận biến động nào.

Hiện nay, giá heo hơi tại miền Bắc phổ biến trong khoảng từ 63.000 – 65.000 đồng/kg – giảm mạnh so với thời điểm đầu tháng và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.

Miền Trung - Tây Nguyên: Toàn vùng đồng loạt giảm, giá chạm đáy mới

Tình hình thị trường ở miền Trung và Tây Nguyên ngày 18/7 càng thêm ảm đạm khi tất cả các tỉnh đều ghi nhận giảm giá, không còn địa phương nào giữ được mức giá cũ.

Một số tỉnh có mức điều chỉnh cụ thể như sau: Quảng Trị và Thừa Thiên Huế giảm 1.000 đồng, hiện còn 62.000 đồng/kg. Giá tại Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng giảm 1.000 đồng, dao động quanh 62.000 – 63.000 đồng/kg. Riêng Gia Lai tiếp tục duy trì ở đáy 62.000 đồng/kg.

Đây hiện là vùng có mức giá thấp nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại. Dù nguồn cung không ở mức dư thừa, nhưng sức mua yếu đã kìm hãm đà tăng của thị trường.Tình trạng tiêu thụ chậm tại các kênh phân phối nội địa được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến giá heo chưa thể bật tăng.

Miền Nam: Giá bắt đầu điều chỉnh, xu hướng giảm lan rộng

Miền Nam - nơi từng được xem là khu vực giữ giá ổn định nhất – hiện cũng đã ghi nhận đợt giảm đầu tiên trong thời gian qua.

Vào ngày 18/7, một số tỉnh phía Nam bắt đầu giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, đánh dấu sự lan rộng của đà giảm giá trên toàn quốc.

Những nơi đã ghi nhận giảm gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau: giảm 1.000 đồng/kg, đưa giá về khoảng 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số địa phương vẫn giữ mức cao: Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Cần Thơ: tiếp tục duy trì giá 66.000 đồng/kg - cao nhất cả nước thời điểm hiện tại.

Mặc dù giá heo hơi tại miền Nam vẫn cao hơn so với các vùng còn lại, nhưng thị trường đã không còn duy trì được sự ổn định như đầu tuần.

Xu hướng điều chỉnh đã xuất hiện và nếu sức tiêu thụ không cải thiện trong ngắn hạn, giá có thể tiếp tục giảm sâu hơn.

Cao Bằng: Bùng phát dịch, gần 6.000 con heo bị tiêu hủy

Theo thông tin từ TTXVN, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã phát hiện 42 ổ dịch, khiến gần 6.000 con heo bị tiêu hủy với tổng trọng lượng vượt 261 tấn tại 1.142 hộ chăn nuôi.

Dịch bệnh hiện vẫn đang tồn tại tại 35 xã chưa đủ 21 ngày cách ly, làm gia tăng nguy cơ lây lan ra diện rộng.

Ông Đinh Xuân Lập - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cao Bằng cho biết sự chủ quan của người dân trong phòng dịch kể từ cuối năm 2024 là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Bên cạnh yếu tố chủ quan từ người dân, việc tái cơ cấu bộ máy hành chính địa phương cũng khiến hoạt động tiêm phòng bị gián đoạn.

Đáng chú ý, nhiều con heo nái không được tiêm do quy định vắc xin chỉ áp dụng cho heo con đủ 4 tuần tuổi và heo thịt, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trong đàn.

Thực tế ở một số nơi đã xuất hiện tình trạng bán tháo heo bệnh, vứt xác bừa bãi - gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cụ thể, ngày 24/6, chính quyền phát hiện 23 con heo bệnh nặng, nặng hơn 1 tấn bị bỏ giữa rừng tại xã Mã Ba (trước sáp nhập thuộc huyện Hà Quảng), buộc phải tiêu hủy khẩn cấp.

Trước tình hình trên, ngày 30/6, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Công điện số 15, yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch triệt để, hiệu quả và đồng bộ.

Công điện nêu rõ nguyên nhân chủ yếu là sự lơ là trong chỉ đạo, giám sát, người dân chưa thực hiện đầy đủ vệ sinh thú y, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp và mầm bệnh tồn tại trong môi trường cũ.

UBND tỉnh cũng yêu cầu thành lập tổ phòng dịch tại các xóm đang có dịch, ứng trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát việc tiêu hủy, vận chuyển, tổng vệ sinh chuồng trại, phun khử khuẩn và khoanh vùng ổ dịch.
Các hoạt động giết mổ trong vùng dịch bắt buộc phải tuân thủ nghiêm túc theo Quyết định số 972 của Thủ tướng Chính phủ.

Để tăng cường năng lực kiểm soát dịch, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cao Bằng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong giám sát, cảnh báo, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; đồng thời bảo đảm cung cấp đầy đủ vắc xin, hóa chất, cũng như kiểm soát việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển heo.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, chính quyền và người dân kỳ vọng bộ máy điều hành sớm ổn định để triển khai các biện pháp kiểm soát hiệu quả và xử lý triệt để các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Hưng Lê

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/gia-heo-hoi-ngay-18-7-2025-dong-giam-manh-tren-ca-nuoc/20250718093849942