Giá hồ tiêu liên tục tăng khi bước vào niên vụ 2023

Niên vụ hồ tiêu 2023 đã bắt đầu thu hoạch, nông dân trồng tiêu tại Gia Lai đang phấn khởi vì những ngày gần đây, giá tiêu liên tục tăng.

Nông dân Gia Lai tất bật vào vụ thu hoạch hồ tiêu 2023. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Nông dân Gia Lai tất bật vào vụ thu hoạch hồ tiêu 2023. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Cụ thể, hôm nay 17/2, giá tiêu tăng hơn 500 đồng/kg so với ngày 16/2 và tăng hơn 2.000 đồng/kg so với ngày 15/2.

Ngoài giá bán tăng, người dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có một vụ mùa tăng cả về sản lượng lẫn chất lượng nhờ các biện pháp giảm giá thành như áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tự làm phân hữu cơ để bón cho cây tiêu, tưới nhỏ giọt...

Bà Mai Thị Quế, thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) cho hay, hơn 1.500 trụ tiêu của gia đình bà đã vào vụ thu hoạch, gia đình thuê 5 nhân công hái liên tục cả tuần mới xong, tránh tình trạng tiêu khô, rụng nên chi phí nhân công khá cao.

Tuy nhiên, nhờ tận dụng tối đa các nguồn phế phẩm để làm phân bón, gia đình bà vẫn đảm bảo tổng chi phí ở mức vừa phải, sản xuất vẫn có lãi.

Theo bà Quế, gia đình bà và những hộ lân cận làm phân vi sinh từ cúc quỳ, bơ chín bỏ hột, chuối chín với bánh dầu, phân bò tươi. Các phế phẩm này được ủ trong vòng 3 tháng là đem bón cho cây được. Không dùng hóa học, vườn tiêu xanh tốt, năm nào thu cũng đạt năng suất, chất lượng như kỳ vọng.

Anh Lê Công Nguyên, chủ một cơ sở thu mua hồ tiêu tại xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa cho biết, mấy năm nay, sản lượng hồ tiêu Gia Lai giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao 2015-2017, nhưng chất lượng được nâng cao đáng kể.

Chất lượng tiêu cao hơn thì giá bán được cao hơn vì đối tác thu mua sẽ nhiều hơn. Khi người tiêu dùng tin vào chất lượng sẽ chọn mua sản phẩm của Gia Lai. Điều này có lợi cho cả nông dân, doanh nghiệp và ngành hồ tiêu nói chung.

Theo ông Lê Tấn Hùng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa, khoảng 3 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu tại địa phương được giữ ổn định hơn 2.000 ha, phù hợp với quy hoạch của huyện.

Đồng thời, việc canh tác hồ tiêu đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần sang hướng hữu cơ và đa dạng sinh thái vườn cây.

Việc liên kết sản xuất hồ tiêu tiêu có chứng nhận chất lượng và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cũng ngày càng được mở rộng. Vụ hồ tiêu 2023 tại huyện Đăk Đoa, đã có một số mô hình liên kết có quy mô tới 50 ha.

Thời gian qua, huyện Đak Đoa đã tuyên truyền, định hướng, khuyến cáo cho người dân sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững.

Năng suất hồ tiêu năm nay tương đối ổn định, người dân đã sản xuất hữu cơ, bền vững. Hầu như không còn ai sản xuất theo kiểu thâm canh hóa học để nâng cao năng suất tối đa, để đảm bảo đầu ra, đáp ứng nhu cầu thu mua của doanh nghiệp lớn.

Hiện nay, tổng diện tích hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai khoảng trên 13.500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Chư Sê, Đăk Đoa, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng điều đáng mừng là nông dân trồng tiêu ở Gia Lai đã tìm được hướng đi mới trong canh tác.

Do đó, bên cạnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, Hiệp hội hồ tiêu còn tập trung mở rộng quảng bá, phát triển thương hiệu các sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn.

Nhờ đó, các sản lượng hồ tiêu của Gia Lai đã góp phần cùng với ngành hàng hồ tiêu Việt Nam có mặt trên 115 quốc gia, vùng lãnh thổ và giữ vị trí đứng đầu thế giới trong nhiều năm qua với hơn 60% thị phần thế giới./.

Hồng Điệp/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-ho-tieu-lien-tuc-tang-khi-buoc-vao-nien-vu-2023/281310.html