Giá khí đốt châu Âu tiếp tục nhảy vọt do lo ngại về nguồn cung
Giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng cao sau khi Moscow sắp đóng cửa một đường ống lớn làm dấy lên lo ngại về việc nguồn cung bị ngừng trệ kéo dài.
Đường ống Nord Stream 1 sẽ ngừng hoạt động trong ba ngày để bảo trì từ ngày 31/8 tới ngày 2/9, tiếp tục làm dấy lên lo ngại rằng đường ống sẽ không hoạt động trở lại như kế hoạch sau khi bảo trì. Châu Âu đã chờ đợi về các lô hàng thông qua đường ống trong nhiều tuần qua, trong khi dòng chảy chỉ tiếp tục ở mức rất thấp sau khi nó ngừng hoạt động để bảo trì vào tháng trước.
Bên cạnh đó, Đức cũng cảnh báo rằng Moscow có thể giảm thêm nguồn cung, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng.
Các nhà chức trách châu Âu đã nhiều lần cảnh báo về khả năng đóng cửa hoàn toàn các nguồn cung cấp của Nga khi Điện Kremlin trả đũa các biện pháp trừng phạt. Là nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, Đức đang tìm kiếm các giải pháp thay thế nhưng không có khả năng thay thế tất cả các mặt hàng nhập khẩu của Nga. Đức và các quốc gia khác ở châu Âu đang đảo ngược các chính sách năng lượng bằng cách phụ thuộc nhiều hơn vào than và đưa các nhà máy hạt nhân trở lại để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Vào thứ Sáu (19/8), Gazprom cho biết, việc bảo trì là cần thiết để có thể bơm khí vào đường ống. Đường ống này chỉ hoạt động với 20% công suất trong nhiều tuần qua và các chính trị gia châu Âu khẳng định các đường ống này có động cơ chính trị. Gazprom cho biết, khối lượng sẽ trở lại mức đó sau lần ngừng hoạt động gần đây nhất.
Biraj Borkhataria, nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho biết: “Cho dù lý do đó có đúng hay không, kết quả này sẽ thúc đẩy một thị trường khí đốt châu Âu thắt chặt hơn nữa và một thị trường phụ thuộc vào việc cắt giảm nhu cầu để tìm lại sự cân bằng. Thị trường có thể bỏ qua các bình luận của Gazprom và bắt đầu xem xét liệu đường ống có thể không hoạt động trở lại hay ít nhất có thể bị trì hoãn vì bất kỳ lý do nào”.
Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Đức cho biết, nước này có thể gặp khó khăn trong việc thay thế nguồn cung khí đốt đang cạn kiệt từ Nga. Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt. Trong khi Đức là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự cắt giảm của Moscow với nền kinh tế đang suy thoái, cuộc khủng hoảng năng lượng đã vang dội khắp châu Âu.
Hợp đồng tương lai khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 11% vào ngày thứ Hai (22/8) và giao dịch quanh mức 270,98 euro/MWh sau khi đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào thứ Sáu (19/8).