Giá khí đốt ở châu Âu xuống thấp nhất trong 18 tháng
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm xuống dưới 50 euro/ MWh lần đầu tiên sau gần 18 tháng khi cuộc khủng hoảng năng lượng lắng xuống. Thời tiết tiết ôn hòa trong mùa đông hiện tại làm tăng niềm tin rằng châu Âu sẽ tránh được tình trạng thiếu hụt khí đốt trong mùa đông năm nay và năm tới.
Châu Âu ‘đoạn tuyệt’ thành công với khí đốt của Nga
Chốt phiên giao dịch hôm qua (17-2), giá khí đốt tương lai chuẩn của châu Âu ở nền tảng giao dịch TTF (Hà Lan) giảm gần 5%, xuống mức 49 euro/MWh trong bối cảnh các nhà giao dịch ngày càng tin tưởng rằng các nước ở lục địa này sẽ tránh được tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này và năm tới.
Diễn biến này đánh dấu một thời điểm mang tính bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu kể từ sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Giá khí đốt ở châu Âu hiện giảm tới 85% so với mức cao kỷ lục 300 euro/ MWh được thiết lập hồi tháng 8 năm ngoái, thời điểm Nga cắt giảm nguồn mạnh nguồn cung sang châu Âu kể từ sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, làm dấy lên lo ngại về rủi ro thiếu hụt ngay trước mắt.
“Châu Âu dường như đã ‘cai nghiện’ thành công khí đốt của Nga”, Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận tài nguyên, khí hậu và năng lượng của hãng tư vấn Eurasia Group nhận định.
Theo ông, dù giá khí đốt TTF vẫn còn đắt so với các tiêu chuẩn lịch sử nhưng đã thoát ra khỏi các mức định giá dựa trên nguy cơ thiếu hụt nguồn cung tức thì.
Nga đã “vũ khí hóa” năng lượng bằng cách bóp nghẹt nguồn cung khí đốt chảy sang châu Âu để gây sức ép với phương Tây, khu vực đang hỗ trợ vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga ban đầu tăng vọt sau cuộc chiến này và giúp Moscow có nguồn tài chính dồi dào để đáp ứng các nhu cầu trên chiến trường.
Do vậy, giá khí đốt thụt lùi về mức của năm 2021 đánh dấu một thất bại đối với điện Kremlin trước lễ kỷ niệm một năm cuộc chiến Ukraine vào 24-2 tới. Giá khí đốt không còn đủ cao để bù đắp cho khối lượng xuất khẩu sụt giảm của Nga. Thêm vào đó, dầu thô của Nga hiện được bán với giá chiết khấu sâu so với giá dầu Brent chuẩn quốc tế.
Giá khí đốt giảm thắp lên hy vọng các nước EU và Anh có thể chỉ trải qua một cuộc cơn suy thoái nhẹ trong năm nay hoặc hoàn toàn có thể tránh được nguy cơ này. Ủy ban châu Âu (EC) nhận định, đà giảm giá nhanh của khí đốt, kết hợp với chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình, đã thúc đẩy triển vọng ngắn hạn của EU.
Giá khí đốt hiện tại ở châu Âu vẫn cao hơn so với các mức giá phổ biến trong lịch sử 10-30 euro /MWh nhưng không còn đe dọa gây ra một cuộc suy thoái sâu và kéo dài trên khắp châu Âu, theo nhận định của nhiều nhà phân tích.
Dự trữ còn cao, giúp tránh chạy đua mua khí đốt với châu Á
Giá khí đốt đắt đỏ đã châm ngòi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong khu vực vào năm ngoái với các mức lạm phát cao ngất ngưỡng. Tuy nhiên, với một mùa đông tương đối ôn hòa, nhu cầu sử dụng khí đốt giảm và những nỗ lực tìm nguồn cung thay thế đã giúp lượng khí đốt dự trữ ở châu Âu vẫn còn ở mức khá cao khi mùa đông sắp kết thúc.
Tính đến hôm 15-2, mức lấp đầy dự trữ kho khí đốt dự trữ ở châu Âu, một trong những thước đo quan trọng để đánh giá rủi ro thiếu hụt trong ngắn hạn là khoảng 65%, cao hơn nhiều so với mức bình thường vào thời điểm này hàng năm.
Henning Gloystein cho biết, nhu cầu khí đốt của ngành công nghiệp ở châu Âu giảm khoảng 20% trong năm qua nhưng sản lượng sản xuất không giảm đáng kể nhờ tính hiệu quả và khả năng chuyển đổi nhiên liệu cao hơn. Các dự báo thời tiết dài hạn cho thấy nhiệt độ trong tháng 3 ở châu Âu sẽ tiếp tục đối ôn hòa.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, điều này sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng khí đốt để sưởi ấm, giúp các nước châu Âu dễ dàng bổ sung khí đốt dự trữ trước mùa đông năm tới , ngay cả khi nguồn cung hiện nay từ Nga thấp hơn nhiều so với với đầu năm 2022.
Cũng theo đó, dự báo nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ được cải thiện khi kho cảng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport LNG ở bang Texas ở Mỹ sắp hoạt động lại. Cơ sở này đóng góp đến 20% sản lượng LNG xuất khẩu của Mỹ trước khi tạm dừng hoạt động vào mùa hè năm ngoái do sự cố hỏa hoạn.
Dù vậy, Tom Marzec-Manser, Giám đốc bộ phận khí đốt tại Công ty tư vấn ICIS vẫn cảnh báo, giá khí đốt giảm có thể bắt đầu kích thích nhu cầu ở châu Á, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa
Theo ông, dù mức lưu trữ cao ở châu Âu và châu Á báo hiệu sẽ không có một cuộc tranh mua trong ngắn hạn đối với các lô hàng LNG từ Mỹ nhưng giá giảm chắc chắn sẽ khơi dậy một số nhu cầu về khí đốt, cả trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. “Điều này có nghĩa là giá khí đốt chuẩn ở châu Âu ít có khả năng giảm về mức trước đại dịch Covid-19”, Marzec-Manser nói.
Theo Financial Times
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-khi-dot-o-chau-au-xuong-thap-nhat-trong-18-thang/