Gia Lai: Buôn làng nhộn nhịp 'thay áo mới' cho nhà Rông Kon Sơ Lăl

Không máy móc, không bêtông cốt thép, ngôi nhà Rông Kon Sơ Lăl mang đậm tinh thần cộng đồng, được dựng lên từ đôi tay, trí nhớ và tình yêu văn hóa của người dân Bahnar giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Người dân lợp lại mái nhà rông. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Người dân lợp lại mái nhà rông. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, nhà Rông Kon Sơ Lăl - “trái tim” của người Bahnar ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vừa được thay mái mới sau nhiều năm che nắng gió, mưa ngàn.

Không máy móc, không bêtông cốt thép, công trình mang đậm tinh thần cộng đồng, được dựng lại từ đôi tay, trí nhớ và tình yêu văn hóa của chính những người dân trong làng.

Được dựng lên từ năm 2017, nhà Rông Kon Sơ Lăl là công trình lớn nhất Tây Nguyên hiện nay, với chiều dài 23m, rộng hơn 12m, cao 20m, tổng diện tích sử dụng hơn 320m2. Tất cả đều được người Bahnar làm bằng vật liệu truyền thống như tre, tranh, nứa, mây, gỗ rừng và đặc biệt là không cần đến bản vẽ thiết kế.

"Chỉ cần nhìn là nhớ. Bao đời ông bà làm sao thì nay mình làm vậy,” già làng Sôn - người chỉ đạo dựng nhà nói rành rọt bằng tiếng Kinh giản dị.

Không học qua trường lớp, không đọc được chữ nhưng già làng là “kho ký ức sống,” thuộc từng cách dựng cột, bện mái, cách buộc dây mây cho đúng dáng nhà Rông truyền thống.

Sau hơn 7 năm, mái tranh cũ đã bạc màu, mục nát vì thời gian. Cả làng cùng họp lại, bàn việc sửa chữa. Mỗi hộ chuẩn bị ít nhất 10 bó tranh. Người già, thanh niên, phụ nữ ai nấy đều góp sức, người đi rừng lấy tre, người vót nứa, người bện dây, người trèo lên mái. Mọi người chung tay, tiếng nói cười rộn ràng khắp nơi.

 Người dân chung tay sửa nhà Rông Kon Sơ Lăl. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Người dân chung tay sửa nhà Rông Kon Sơ Lăl. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Không khí những ngày lợp mái nhà Rông rộn ràng như hội. Sân làng vang tiếng cười, tiếng trẻ con í ới chạy loanh quanh nô đùa, tiếng dao róc tre ken két bên những gốc cây, tiếng thanh niên nói cười rộn ràng, lợp tranh trên mái.

Cơm lam, thịt nướng được chuẩn bị sẵn; những chiếc ché rượu cần bung nắp đón khách làng về phụ việc. Câu chuyện cũ-mới xen lẫn, từ chuyện xưa ông bà dựng nhà bằng tay không đến chuyện nay con cháu học lại cách bện dây mây, lựa tranh lợp mái sao cho đều, đẹp.

Cả làng hòa vào nhịp sống chung, không còn khoảng cách tuổi tác, nhà này-nhà kia, tất cả vì “linh hồn của làng.”

Việc sửa nhà Rông không chỉ là chuyện làm lại một mái nhà mà còn là hoạt động gìn giữ một phần hồn cốt của dân tộc. Bởi với người Bahnar, nhà Rông là nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức lễ hội, họp làng, truyền dạy văn hóa và cũng là nơi kết nối các thế hệ với nhau.

Nhà Rông Kon Sơ Lăl là không gian sinh hoạt và cũng là điểm tựa tinh thần của nhiều thế hệ người Bahnar nơi đây. Trẻ con nô đùa dưới sàn nhà, người lớn họp bàn công chuyện, già làng kể sử thi bên ánh lửa.

 Người dân làng Kon Sơ Lăl lợp lại mái nhà rông. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Người dân làng Kon Sơ Lăl lợp lại mái nhà rông. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Dáng mái vút cao của nhà Rông như vươn lên trời Tây Nguyên xanh trong, như một mũi tên cắm sâu vào ký ức văn hóa Bahnar bao đời không mai một.

“Nhà Rông là linh hồn của buôn làng. Có mái mới rồi, người dân trong làng lại sum vầy, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau phát triển đi lên,” già làng Sôn tâm sự trong khi tay vẫn đan nốt những sợi dây mây cuối cùng cho kịp tiến độ.

Dù công trình được dựng nên chủ yếu từ sức lực cộng đồng nhưng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương từ việc cấp vật liệu xây dựng cho đến các hoạt động tuyên truyền bảo tồn văn hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc của người Bahnar. Trước đó suốt 1 năm, người dân đã tự tay chuẩn bị các vật liệu như: gỗ, tre, nứa, tranh...

Ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây cho biết, theo chu kỳ 5-7 năm, người dân tộc thiểu số tại đây lại "thay áo mới" cho nhà Rông. Với đồng bào, nhà Rông không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, sinh hoạt cộng đồng mà còn là điểm đến của du khách, nhà nghiên cứu văn hóa. Đó là tài sản vô giá, báu vật linh thiêng của cộng đồng người Bahnar tại Tây Nguyên.

Kon Sơ Lăl hôm nay không chỉ có mái nhà Rông cao nhất mà còn giữ được ngọn lửa bền bỉ nhất: lửa tình làng, nghĩa xóm, lửa lòng tự tôn và ý chí tự lực của người Bahnar giữa đại ngàn Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/gia-lai-buon-lang-nhon-nhip-thay-ao-moi-cho-nha-rong-kon-so-lal-post1027677.vnp