Gia Lai: Các đề án khuyến công tạo động lực quan trọng phát triển công nghiệp nông thôn
Triển khai hiệu quả các đề án khuyến công đã tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, tạo động lực quan trọng phát triển công nghiệp Gia Lai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thông qua đó, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh.
“Vốn mồi” thu hút nguồn đầu tư lớn vào phát triển công nghiệp nông thôn
Tại Chương trình tổng kết công tác khuyến công - xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016 - 2020 diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh cho biết, trong 5 năm qua, các đề án khuyến công đã thực hiện tốt vai trò là “vốn mồi” để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông thôn mạnh dạn đầu tư nguồn vốn để đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất.
Trong 5 năm từ 2016 - 2020, tổng nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động khuyến công Gia Lai là 10,054 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia là 9,31 tỷ đồng, khuyến công địa phương 744 triệu đồng. Với số “vốn mồi” trên, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm hơn 26 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, máy móc, chuyển giao công nghệ. Cụ thể, nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ được 3 mô hình trình diễn kỹ thuật cho 3 đơn vị thụ hưởng; cùng với đó, đã có 20 lượt đơn vị được hỗ trợ ứng dụng máy móc trong 14 đề án để tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh.
Cùng với việc hỗ trợ kinh phí để mua sắm máy móc, thiết bị, Trung tâm KC&XTTM Gia Lai đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho các lao động nông thôn. Trong đó, có mở 1 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 50 người nghèo và người dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã An Khê, nhằm khôi phục, củng cố, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.
Hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng 1 cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm heo sọc dưa gác bếp cho 1 đơn vị; nâng cao năng lực quản lý cho 140 cán bộ, chuyên viên phụ trách khuyến công, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ngoài ra, tổ chức bình chọn và công nhận 72 sản phẩm, bộ sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm và tiêu chuẩn để 17 sản phẩm, bộ sản phẩm CNNT Gia Lai được chứng nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 3 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt chấp quốc gia.
Thay đổi cách tính trong bài toán “vốn và đầu tư máy móc”
Tham gia nhiều chương trình XTTM, được sự hỗ trợ, tư vấn của Sở Công Thương, Trung tâm KC&XTTM Gia Lai, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc theo đề án khuyến công, từ một cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, đến nay HTX Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã trở thành một hợp tác xã kinh doanh có hiệu quả, sản phẩm tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Bà Trần Thị Hoàng Anh - Giám đốc HTX - cho biết, Phương Di được hỗ trợ mua máy hạ thủy phần mật ong theo diện hỗ trợ ứng dụng máy móc công nghệ trong chương trình khuyến công Gia Lai năm 2019.
Theo bà Hoàng Anh, mật ong hay mật hoa nguyên liệu thu về thường sẽ có hàm lượng nước tự nhiên nhất định, thường là khoảng 24 - 25%, có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Mật ong nguyên liệu loãng là hàm lượng nước tự nhiên cao, nếu không tách bớt nước để lâu sẽ dễ lên men chua, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Trước khi đầu tư máy hạ thủy phần mật ong, khi thu hoạch mật ong về, HTX mật ong Phương Di (khi đó là cơ sở sản xuất) chỉ có thể lọc qua tạp chất, sau đó đóng chai xuất bán. Cơ sở không nắm và không kiểm soát được hàm lượng nước trong mật ong, chất lượng không đồng đều, vì vậy, giá bán của mật ong thành phẩm cũng không cao, sức cạnh tranh so với một số sản phẩm cùng loại thấp.
Sau khi đầu tư, cơ sở đã khai thác rất hiệu quả, vận hành liên tục máy hạ thủy phần. Tất cả mật ong thu về đều được đưa vào máy để đo và chiết tách bớt hàm lượng nước trong mật, đảm bảo sản phẩm mật ong đầu ra chất lượng cao và đồng đều, hàm lượng nước chỉ còn 19 - 20%. “Bây giờ, tôi luôn biết chắc được hàm lượng nước trong mật ở ngưỡng nào đó, khi đưa ra thị trường rất yên tâm về chất lượng”, bà Hoàng Anh nói.
“Đối với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông thôn thì hỗ trợ mua máy móc rất thiết thực. Nó không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mà quan trọng hơn giúp chúng tôi hiểu rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của máy móc, công nghệ trong sản xuất, từ đó, mạnh dạn đầu tư để không bị đào thải trong cuộc cạnh tranh trên thị trường”, bà Hoàng Anh chia sẻ và cho biết thêm, nhờ sự hỗ trợ, cơ sở sản xuất Phương Di đã đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, doanh thu tăng và đơn vị đã phát triển lên hợp tác xã để tăng quy mô thu mua mật ong trên toàn tỉnh cũng như tăng sản lượng mật ong.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu, sự hỗ trợ của chương trình khuyến công kỳ vọng tạo động lực cho phát triển CNNT, đặc biệt là góp phần thay đổi nhận thức của cơ sở sản xuất tại nông thôn về đầu tư máy móc. “Từ hiệu quả sản xuất của những đơn vị được thụ hưởng khuyến công, hi vọng sẽ lan tỏa tạo cho các cơ sở sản xuất khác mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi bộ mặt CNNT, góp phần tạo động lực cho phát triển công nghiệp toàn tỉnh”, bà Thu nói.