Gia Lai: Cam go cuộc chiến chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Không chỉ mặt hàng thời trang, đồng hồ và mắt kính, thời gian gần đây, hàng linh kiện điện tử, phụ tùng xe máy của những nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam cũng bị giả mạo nhãn hiệu từ kênh bán hàng truyền thống đến nền tảng online.

Vì thế, cuộc chiến chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trở nên cam go.

Ra quân truy quét hàng giả

Từ ngày 16-4 đến ngày 3-5, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh đang thực hiện livestream bán hàng và phát hiện hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet. Đến nay, Đội đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành quyết định xử phạt 73 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm trên, đồng thời buộc tiêu hủy nhiều túi xách, kính mắt các loại giả mạo nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton…

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh (ảnh đơn vị cung cấp).

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh (ảnh đơn vị cung cấp).

Tương tự, ngày 3-5, Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nhật Khang (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Tại thời điểm kiểm tra, Đội phát hiện cửa hàng này đang trưng bày 35 sản phẩm phụ tùng xe máy gồm: tấm lọc khí, má phanh, mô tơ xe máy, dây ga xe máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda đang được bảo hộ tại Việt Nam. Khi có kết quả giám định của Công ty Luật TNHH Phạm và liên danh là đại diện cho Công ty Honda Motor tại Việt Nam, Đội Quản lý thị trường số 5 đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu vi phạm.

Trước đó, ngày 11-4, Đội Quản lý thị trường số 8 đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một cơ sở kinh doanh tại thôn Hà Lòng 1, xã Kdang, huyện Đak Đoa. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 11 cái mắt kính thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci. Ngày 8-4, Đội cũng kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh tại địa bàn thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) và phát hiện cơ sở đang buôn bán 15 chiếc đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu Casio. Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu Gucci và nhãn hiệu Casio xác minh làm rõ và có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm hành chính của 2 cơ sở trên là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đến nay, Đội đã hoàn tất hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành quyết định xử phạt 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy số hàng hóa trên.

Theo ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Hiện nay, công nghệ làm hàng giả luôn đi song song với công nghệ hàng thật, các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu là vì lợi nhuận lớn nên các đối tượng sẵn sàng làm nhái hàng hóa có thương hiệu để trục lợi. Cùng với đó là tâm lý người tiêu dùng khá dễ dãi. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng.

Đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hàng giả, hàng nhái

Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho rằng: Việc tuyên truyền về tác hại của hàng giả, hàng nhái nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức trong sử dụng hàng hóa. Công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát là của ngành chức năng, nhưng công tác phòng ngừa, đấu tranh lại rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân. Thực tế hiện nay cho thấy, hình thức bán hàng bằng xe lưu động khá phổ biến nên dễ xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn tại vùng sâu, vùng xa.

“Nếu công tác chỉ đạo, phối hợp, chia sẻ thông tin được triển khai đồng bộ giữa các đơn vị thì hiệu quả sẽ cao hơn. Ví dụ, đối với nhận diện hàng giả thì trong các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận sẽ tuyên truyền nội dung này để người dân nắm bắt, hoặc có thể thực hiện ký cam kết ở khu dân cư, để kịp thời ngăn chặn những rủi ro”-ông Trung nói.

Công tác tuyên truyền, ký cam kết tại cơ sở (ảnh đơn vị cung cấp).

Công tác tuyên truyền, ký cam kết tại cơ sở (ảnh đơn vị cung cấp).

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, ngoài nội dung tuyên truyền, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh, năm 2024, đơn vị chú trọng kiện toàn và nâng cao vai trò tham mưu của Tổ công tác về thương mại điện tử; tập trung theo dõi, nắm tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh cũng như người tiêu dùng, nhất là việc trang bị kỹ năng mua hàng trên mạng; kịp thời phát hiện, tố cáo, phản ánh các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật.

“Hàng năm, trong các đợt tập huấn nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các lực lượng liên quan và các hiệp hội, ngành hàng trong cả nước hướng dẫn cách phân biệt hàng thật-hàng giả đối với nhiều mặt hàng. Mới đây, đơn vị đã đề xuất Sở Công thương quan tâm bố trí 1 gian hàng trong các chương trình hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn để trưng bày các mẫu sản phẩm hàng thật-hàng giả, giúp người tiêu dùng phân biệt và nhận diện, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh chống hàng giả”-ông Hà thông tin.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-cam-go-cuoc-chien-chong-hang-hoa-gia-mao-nhan-hieu-post277460.html