Gia Lai: Chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất vươn lên thoát nợ, làm giàu (Bài 1)

Đến thủ phủ hồ tiêu và những cái tên một thời nóng hổi 'ra đường gặp tỷ phú' ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng giờ đây đã không còn, bởi 'tiêu chết, tỷ phú hết'. Thực hiện phương châm 'Đổi mới để phát triển', kiên quyết 'không chịu khoanh tay đứng ngó trời', Huyện ủy- UBND huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã lãnh đạo triển khai hiệu quả mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất. Từ những 'con nợ của cây tiêu', nhiều hộ đã vươn lên trở thành giàu có.

Bài 1: Bước ra, làm giàu từ "con nợ"

Đến vùng đất Chư Pưh (Gia Lai) những ngày cuối tháng 9-2023, chúng tôi thấy cái nắng như dịu lại, một không gian xanh mát bao trùm của nhiều tầng cây lá. Trên những tuyến đường liên xã, huyện được “bê tông hóa”, từng đoàn xe nối đuôi nhau vận chuyển hàng hóa, giao thương, minh chứng cho sự phát triển bền vững.

Trong cái khó, ló cái khôn

Gặp chúng tôi sau chuyển công tác kiểm tra cơ sở vừa trở về, ông Lê Quang Thái – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh chia sẻ, trước thực tế hàng triệu trụ tiêu bị bệnh chết gắn liền với hàng ngàn hộ dân là con nợ lâu dài của các ngân hàng, cùng với đó hàng trăm ha cà phê già cỗi khó phát triển, kiên quyết không để cho người dân , nhất là bà con dân tộc thiểu số bị đói, khổ, Huyện ủy- UBND huyện đã thành lập và chỉ đạo các đoàn công tác về các thôn làng khảo sát cụ thể, rồi lên kế hoạch “tìm hướng đi mới” cho phù hợp. Trong đó việc triển khai để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm sớm có thu nhập, ổn định đời sống, được chúng tôi ưu tiên triển khai thực hiện. Nhiều mô hình chuyển đổi từ đất trồng hồ tiêu bị chết, cà phê già cỗi…kém hiệu quả, sang trồng dâu nuôi tằm, trồng sầu riêng, nuôi dê cỏ… gắn với liên kết sản xuất, đang là hướng chuyển đổi hiệu quả, được địa phương khuyến khích người dân phát triển kinh tế, mở ra hướng đi triển vọng giúp người nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhiều gia đình giàu lên, gắn bó với làng quê. Cùng với đó, chúng tôi đang tập trung xây dựng mã vùng trồng trên các loài cây chủ lực, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và tìm các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu chính ngạch mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân được hưởng lợi.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy trao đổi với anh em báo chí

Đồng chí Bí thư Huyện ủy trao đổi với anh em báo chí

Xác định đúng hướng đi, nên được cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương đồng thuận, đồng tình ủng hộ và vào cuộc quyết liệt, hiệu quả. Đến nay, người dân huyện Chư Pưh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 906ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm mang lại hiệu quả cao và ngày càng lan toản, phát triển. Trên cơ sở Dự án “chuyển đổi cây trồng vật nuôi”, trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy- UBND huyện, các địa phương đã xây dựng và đưa vào hoạt động được 23 mô hình liên kết sản xuất lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và 7 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng: Hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu, trồng dâu nuôi tằm theo chuẩn sản xuất an toàn, hiệu quả. Những kết quả trên tuy là chỉ bước đầu, thời gian tới các ban ngành chức năng cần kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân vận dụng đúng hướng.

Chư Pưh một góc nhìn

Chư Pưh một góc nhìn

Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ đất trồng, vật nuôi, gắn với liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ gia đình là “con nợ của cây tiêu” đã vươn lên phát triển bền vững, không những trả hết nợ mà còn xây nhà, mua xe, đầu tư sản xuất. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Thành quả trên đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Chư Pưh những năm qua luôn ở mức khá, bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 9,86%; các mục tiêu về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh đều đạt và vượt kế hoạch; đã có 6 xã và 9 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Địa bàn bình yên, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế.

Hiệu quả từ hướng đi và cách làm

Khó khăn từ hậu quả thảm khốc của cây hồ tiêu để lại, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của bà con địa phương, đã góp phần tạo bước đột phá cho nông nghiệp của huyện Chư Pưh, trở thành lĩnh vực giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Người dân Chư Pưh trồng dâu nuôi tằm hiệu quả trên đất tiêu chết

Người dân Chư Pưh trồng dâu nuôi tằm hiệu quả trên đất tiêu chết

Để nâng cao giá trị nông sản, giúp nông dân đứng vững “ sản phẩm” trên thị trường” , huyện huyện Chư Pưh đang tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là các loại cây trồng, vật nuôi mới. Trên cơ sở thực tế của địa phương, Huyện ủy – UBND huyện đang hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức lồng ghép một số chương trình, dự án, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ các sản phẩm như: dâu tằm, sầu riêng, nhãn, hồ tiêu, cà phê sạch… nhằm tạo đầu ra ổn định và nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Bà Đặng Tây Nguyên làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm

Bà Đặng Tây Nguyên làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để phát triển bền vững các loại cây ăn trái, huyện Chư Pưh đang đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 407 ha sầu riêng, 302 ha bơ, 125 ha nhãn và 1.073 ha cây ăn quả khác. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với UBND xã Ia Rong, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây sầu riêng, bơ, nhãn. Tham gia mô hình, 24 hộ trồng sầu riêng tại xã Ia Rong thành lập 1 tổ hợp tác với diện tích 21 ha; 69 hộ trồng nhãn tại xã Ia Hla thành lập 4 tổ hợp tác với diện tích 24,1 ha; 11 hộ trồng bơ tại thị trấn Nhơn Hòa thành lập 1 tổ hợp tác với diện tích 15,6 ha. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 256,1 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ.

Dự án trồng rau an toàn hiệu quả ở Chư Pưh

Dự án trồng rau an toàn hiệu quả ở Chư Pưh

Từng là “người nổi tiếng” với diện tích trên 5000 trụ tiêu, mỗi năm thu về trên tỷ bạc, ông Trần Bá Chiến ở thôn Phú Bình, xã Ia Le (Chư Pưh) đã mạnh dạn bước lên trên nỗi đau “tiêu chết, hết tỷ phú”. Năm 2017, nhờ định hướng và sự tiếp sức của cán bộ địa phương, lúc đầu ông cùng gia đình thử trồng 3 sào dâu nuôi tằm. Đến năm 2019, thấy dâu dễ chăm sóc và đầu ra cũng ổn định nên gia đình ông Chiến đã đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm gần 1 ha. Kết quả ngày một được nâng cao, kinh tế phát triển ổn định, ông xin phép cấp ủy, chính quyền đại phương thành lập Nông hội Dâu tằm đầu tiên tại Chư Pưh với sự tham gia của 17 hộ gia đình, do ông làm Chủ tịch Nông hội. 5 năm qua, giá kén được thu mua ở mức 120.000 đến hơn 200.000 đồng/kg nên gia đình ông và các thành viên có nguồn thu nhập cao, nhiều gia đình giàu lên từ cây dâu. Cũng theo ông Chiến, trồng dâu, nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật với phương châm “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, hiện nay đầu ra rất ổn định, giá cao, nên người dân vững tin đầu tư vào trồng dâu nuôi tằm. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm và sẵn sàng hướng dẫn kĩ thuật trồng dâu, nuôi tằm, hỗ trợ vốn ban đầu cho các hộ dân có nhu cầu trên địa bàn.

Nhờ trồng dâu và nuôi tằm mà anh Trần Bá Trường đã làm nhà và mua xe ô tô.

Nhờ trồng dâu và nuôi tằm mà anh Trần Bá Trường đã làm nhà và mua xe ô tô.

Gia đình bà Đặng Tây Nguyên ở thôn Thủy Phú, xã Ia BLứ (Chư Pưh), gia đình anh Trần Bá Trường, ở thôn Phú Bình, xã Ia Le từ con nợ trồng tiêu hơn 800 triệu đồng đồng, nay họ đầu tư trồng dâu, nuôi tằm nên đã trả hết nợ, xây nhà mới, riêng gia đình anh Trường còn mua xê ô tô để đi giao dịch sản phẩm. Theo bà Nguyên, điều kiện thổ nhưỡng ở đây phù hợp nên cây dâu phát triển rất tốt, lá to, dày và xanh. Khí hậu cũng thuận lợi, phù hợp nên tằm nuôi không bị bệnh, cho ra chất lượng kén đạt tiêu chuẩn, được đại lý thu mua đánh giá cao, ổn định. Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ có thể nuôi 2 lứa tằm, với giá kén như trên thì sau khi thu hoạch, trừ chi phí mỗi hộ có lãi khoảng 20 triệu đồng, nếu gia đình nào đông người, nuôi 4-5 hộp (lứa tằm), thì thu nhập rất cao. Điều mà các hộ dân cảm thấy phấn khởi là trồng dâu nuôi tằm đem lại thu nhập hàng tháng cao, ổn định, giúp người dân có tiền để trang trải cuộc sống, trả nợ trồng tiêu, sinh hoạt và đầu tư cho sản xuất.

Lê Quang Hồi

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/gia-lai-chuyen-doi-cay-trong-lien-ket-san-xuat-mo-loi-thoat-ngheo-cho-nguoi-dan-a21060.html