Gia Lai: Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê phải sớm thanh toán nợ quá hạn
Đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay, doanh thu bình quân của Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê chỉ đạt 170 triệu đồng/tháng dẫn đến nợ thuế, tiền điện, phí nước thô lên đến hàng trăm triệu đồng.
Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê đang đứng trước nguy cơ phá sản do bị bù lỗ, nợ thuế, tiền điện, phí nước thô hàng trăm triệu đồng.
Doanh nghiệp này đã kêu cứu các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai và đề nghị giảm thuế, giá điện, phí nước thô và xóa nợ cho công ty. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đều cho rằng, công ty phải tuân thủ các quy định của pháp luật và không có thẩm quyền can thiệp vào giá cả.
Theo ông Lê Vinh Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê, doanh nghiệp này đang cung cấp nước sạch cho 6 xã, thị trấn của huyện Chư Sê với giá định mức là 6.780 đồng/m3.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ giá nước cho đồng bào dân tộc thiểu số chỉ 4.302 đồng/m3, do đó công ty phải bù lỗ hơn 2.400 đồng/m3.
Đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay, doanh thu bình quân của đơn vị chỉ đạt 170 triệu đồng/tháng dẫn đến nợ thuế, tiền điện, phí nước thô lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, công ty còn gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ của khách hàng, đặc biệt là Ủy ban Nhân dân xã H’Bông, nợ tiền sử dụng nước đến 7 tháng hơn 50 triệu đồng. Một số xã khác đã đấu nối vào đường ống chính nhưng không mở van nước để người dân sử dụng, làm giảm sản lượng tiêu thụ nước của công ty.
Để giải quyết khó khăn, công ty đã đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai xem xét giảm giá điện xuống (1.100 đồng/kWh); thu thuế Giá trị gia tăng 5% đối với doanh thu trên 300 triệu đồng; không thu phí bảo vệ môi trường (10% trên hóa đơn); xóa nợ và không thu phí nước thô (900 đồng/m3) của Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Gia Lai và đề nghị Cục Thuế tỉnh tiếp tục hoàn thuế cho công ty.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 13/11 mới đây ở huyện Chư Sê do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế chủ trì, các cơ quan chức năng của tỉnh đều cho rằng công ty phải tuân thủ quy định của pháp luật và không có thẩm quyền can thiệp vào giá cả.
Liên quan đến vấn đề phong tỏa tài khoản ngân hàng của Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê và mất số tiền trên 45 triệu đồng mà không rõ nguyên nhân, khiến đơn vị này không có tiền chi trả tiền điện tháng 9 cho phía Điện lực Chư Prông, ông Trần Quang Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết công ty đã bị cưỡng chế nợ thuế qua tài khoản do nợ quá 90 ngày thuộc trường hợp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế.
Hiện công ty vẫn còn nợ thuế 105 triệu đồng; trong đó, có 52 triệu đồng sắp đến thời điểm 90 ngày phải cưỡng chế theo quy định.
Ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai phản ánh Công ty Cổ phần Cấp nước Chư Sê đang nợ 2 kỳ hóa đơn tiền điện chưa thanh toán của tháng 9 và tháng 10/2023 là hơn 82 triệu đồng.
Theo quy định, Điện lực Chư Prông sẽ tiến hành cắt điện, nhưng để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nên đã nhiều lần gia hạn thời gian thanh toán.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai thông tin, từ tháng 7/2022, đơn vị đã khởi kiện Công ty cổ phần cấp nước Chư Sê yêu cầu trả khoản nợ quá hạn hơn 527 triệu đồng và Tòa án Nhân dân huyện Chư Sê cũng đã có quyết định thi hành án nhưng đến nay công ty vẫn chưa thanh toán.
Theo đại diện các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Sê, nguyên nhân tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch thấp một phần là do Công ty đầu tư nhưng không có trách nhiệm với người dân; chưa có chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp. Đối với việc sửa chữa ống nước hư hỏng, gây thất thoát nước, phía công ty không cử người xuống sửa chữa mà giao hết trách nhiệm cho xã.
Qua nghe báo cáo từ các đơn vị liên quan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế nêu rõ quan điểm tỉnh hoan nghênh doanh nghiệp đã triển khai dự án đầu tư cung cấp nước sạch trên địa bàn, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch. Trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành tạo điều kiện trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp hoạt động đúng quy định.
Cùng một cơ chế chính sách chung nhưng có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Một số doanh nghiệp khó khăn thì cần xem xét lại cung cách điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát và chỉ đạo sát sao, nghiêm khắc việc khoan nước giếng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê.
Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch, nâng cao ý thức bảo vệ tài sản công, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Về phía Công ty cổ phần Cấp nước Chư Sê phải nhanh chóng thanh toán các khoản nợ quá hạn và cần cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống cấp nước, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân một cách ổn định và an toàn.
Nếu để xảy ra tình trạng người dân bị ngừng cấp nước gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn thì tùy mức độ vi phạm mà những tổ chức, cá nhân gây ra có thể sẽ bị xử lý hình sự. Đây là vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự nên phải cùng tháo gỡ./.