Gia Lai gặp khó trong đổi mới giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW

Chiều 22/6, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có 1049 cơ sở giáo dục. Thực hiện Nghị quyết 29, tỉnh đã giảm 83 cơ sở giáo dục so với 10 năm trước, 80% cán bộ quản lý, giáo viên được chuẩn hóa và trên chuẩn hóa.
Cùng với đó, phương pháp giảng dạy và học tập; phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo được đổi mới; hoạt động nghiên cứu khoa học, khuyến khích học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp được chú trọng hơn. 99,6% số học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học; đưa tiếng Jrai và Bahnar vào giảng dạy.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Gia Lai chiều 22/6.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Gia Lai chiều 22/6.

Tuy nhiên, với đặc thù của tỉnh miền núi, 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; dân cư phân bố thưa tại những vùng sâu, vùng xa,.. khiến việc thực hiện Nghị quyết 29 gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chương trình giáo dục phổ thông được bắt đầu áp dụng từ năm học 2020-2021 chưa đảm bảo tiến độ đề ra; tỉnh đang thiếu hơn 4.500 giáo viên, nhân viên. Việc sáp nhập trường lớp khó triệt để; công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.

Lớp ghép ở một điểm trường làng ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Lớp ghép ở một điểm trường làng ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Tại hội nghị, các sở ngành, các địa phương ở Gia Lai đã đóng góp nhiều ý kiến để thực hiện thành công việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới.

Ông Lê Duy Định- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai nêu giải pháp đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy: “Thứ nhất, thực hiện việc ghép học sinh trên lớp đạt tới mức tối đa. Cụ thể, cấp THCS, THPT đạt 45 học sinh/lớp, Tiểu học là 35 học sinh/lớp; dồn ghép điểm trường, tiết kiệm biên chế được giao, tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, biệt phái giáo viên, đảm bảo có học sinh tới lớp là có giáo viên giảng dạy”./.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/gia-lai-gap-kho-trong-doi-moi-giao-duc-va-dao-tao-theo-nghi-quyet-29-nqtw-post1028077.vov