Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024): Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo và xây dựng đội ngũ nhà giáo. Người nhắc nhở các thầy, cô giáo phải trở thành tấm gương sáng. Theo Người, cần xây dựng đội ngũ nhà giáo trước hết đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng, phải vừa có đức vừa có tài, có tính kế thừa và cơ cấu hợp lý. Hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nội dung quan trọng thể hiện lý tưởng sâu xa về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu…
Ngày nay, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức đóng vai trò quyết định, tạo ra của cải vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống thì giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chính là chìa khóa cho sự thành công của mỗi quốc gia. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính then chốt nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững.
Bởi vậy, vai trò của người thầy lại càng quan trọng và yêu cầu đặt ra cho người thầy cũng ngày càng cao hơn về mọi mặt. Đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố có tính quyết định nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu tích cực với UBND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm chất lượng và cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới chất lượng giáo dục toàn diện; thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng về mọi mặt cho học sinh noi theo; đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh.
Để xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên, Sở GD&ĐT Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, xứng tầm trong giai đoạn mới; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở số biên chế được giao, UBND các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD&ĐT. Trong năm 2023 đã tuyển dụng 1.283 giáo viên và năm 2024 toàn Ngành tuyển dụng 1.184 giáo viên (trong đó cấp học mầm non 415 giáo viên; cấp tiểu học 443 giáo viên; cấp THCS 281 giáo viên và THPT là 45 giáo viên).
Sở GD&ĐT tham mưu, đề xuất giải pháp kịp thời giải quyết khó khăn phát sinh về thiếu giáo viên, góp phần ổn định đội ngũ cho từng năm học. Các cơ sở giáo dục công lập được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng thuê khoán giáo viên giảng dạy để bù đắp vào số lượng thiếu so với định mức.
Đồng thời, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và cơ cấu giáo viên không đồng bộ, Sở GD&ĐT, các địa phương thực hiện việc điều động, luân chuyển, tăng cường giữa trường thừa và trường thiếu; bố trí một giáo viên có thể dạy nhiều trường, dạy liên cấp; hợp đồng bổ sung giáo viên các môn còn thiếu...
Hiện nay, số giáo viên biên chế được giao, giáo viên hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP và số giáo viên định mức khoán, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn tỉnh trong năm học 2024-2025 là 25.796 người, trong đó cấp mầm non là 10.263 người; cấp tiểu học 7.290 người; cấp THCS có 5.688 người và THPT có 2.340 người.
Số biên chế đang thực hiện là 18.603; hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP là 2.159 người; hợp đồng lao động khoán thực hiện công tác giảng dạy, nấu ăn và lao động khác trong các đơn vị là 5.034 người.
Hằng năm, các địa phương, đơn vị tiến hành rà soát và cử cán bộ quản lý, giáo viên đi đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Tổng số cán bộ giáo viên đi đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn giai đoạn 2021-2024 là trên 1.800 người. Hiện, tỷ lệ giáo viên trong biên chế đạt chuẩn về trình độ đào tạo là 97,84%, tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên biên chế trên chuẩn về trình độ đào tạo là 35,02%...
Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo có tài, có tâm, có đạo đức, xứng tầm trong giai đoạn mới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Tập trung cử giáo viên thuộc đối tượng đi đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn; phấn đấu đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW; đến năm 2025, 100% giáo viên và cán bộ quản lý đạt chuẩn về trình độ đào tạo; 35,2% đạt trên chuẩn; 100% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ.
Trong giai đoạn hiện nay, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, ngành GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm: Tham mưu với UBND tỉnh, các địa phương tuyển dụng bổ sung giáo viên đủ số lượng, cơ cấu hợp lý; quan tâm chất lượng đội ngũ, coi đây là điều kiện tiên quyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện các mục tiêu đổi mới; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng và coi trọng việc bồi dưỡng tại chỗ, hằng ngày, bằng các hình thức đa dạng, sáng tạo; nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, tác phong của đội ngũ nhà giáo; làm tốt công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo phấn đấu vươn lên, chuyên tâm với nghề; sàng lọc và kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực, đồng thời động viên, khuyến khích kịp thời những nhà giáo tâm huyết, có sáng kiến, giải pháp áp dụng hiệu quả trong dạy học.
Để thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng, mỗi cán bộ, nhà giáo cần vững vàng về chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm; không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, tu dưỡng, rèn luyện, tăng cường kỹ năng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - thông tin vào giảng dạy, đáp ứng yêu câu đổi mới của thời đại 4.0. Đồng thời cần ý thức rõ vai trò và trọng trách vinh quang, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ra sức thi đua “dạy tốt”, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cấp ủy đảng và mong mỏi của nhân dân...